Partner im RedaktionsNetzwerk Deutschland
Écoutez Tạp chí tiêu điểm dans l'application
Écoutez Tạp chí tiêu điểm dans l'application
(26.581)(171.489)
Sauvegarde des favoris
Réveil
Minuteur
Sauvegarde des favoris
Réveil
Minuteur
AccueilPodcasts
Tạp chí tiêu điểm

Tạp chí tiêu điểm

Podcast Tạp chí tiêu điểm
Podcast Tạp chí tiêu điểm

Tạp chí tiêu điểm

ajouter
Thời sự quốc tế nổi bật qua lăng kính của RFI Voir plus
Thời sự quốc tế nổi bật qua lăng kính của RFI Voir plus

Épisodes disponibles

5 sur 24
  • Nhật Bản và NATO thắt chặt quan hệ đối tác : Lợi bất cập hại ?
    Đầu tháng 3/2023, truyền thông Nhật Bản loan tin Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương - NATO sẽ mở một văn phòng liên lạc tại Tokyo từ đây đến năm 2024. Một số nhà quan sát đánh giá việc thắt chặt quan hệ giữa NATO và Nhật Bản cho phép củng cố chiến lược chống xâm nhập dựa trên răn đe của Nhật Bản. Nhưng số khác lại cho rằng việc NATO can dự sâu vào khu vực chỉ làm suy giảm an ninh và ổn định của vùng châu Á – Thái Bình Dương. Trang mạng Nikkei Asia ngày 03/05/2023, cho biết kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Tokyo đã được tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thảo luận với thủ tướng Fumio Kishida trong chuyến thăm Nhật Bản hồi cuối tháng Giêng năm 2023. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là văn phòng đầu tiên của NATO tại vùng châu Á – Thái Bình Dương. Cho đến nay, nhiều văn phòng tương tự đã được mở bên cạnh Liên Hiệp Quốc tại New York và Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu ở Vienna, thủ đô nước Áo, cũng như tại nhiều nước khác như Ukraina, Moldova, Gruzia, Bosnia-Herzegovina và Koweit. Về phần mình, Tokyo cũng có ý định thành lập một phái bộ độc lập bên cạnh khối NATO khi tách rời phái bộ hiện nay ở đại sứ quán Nhật Bản ở Bỉ và bổ nhiệm một đại sứ mới.Chiến lược chống xâm nhập dựa trên răn đeTuy nhiên, theo nhận định của nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, trả lời RFI Tiếng Việt ngày 31/05/2023, mối quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và NATO không phải là điều gì mới mẻ. Ngay từ đầu thập niên 1990, đôi bên đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên, đặt nền tảng cho các cuộc đối thoại và quan hệ hợp tác mà bước tiến quan trọng là năm 2014 : Nhật Bản và NATO ký kết một Chương trình Hợp tác và Đối tác Riêng biệt. Chương trình này đã được triển hạn vào tháng 6/2020. Antoine Bondaz : « Mối quan hệ tương tác ngày càng thường xuyên hơn. Các bộ trưởng Nhật Bản đến tham dự nhiều sự kiện của NATO. Kể từ năm 2022, và nhất là từ thượng đỉnh Madrid (Tây Ban Nha), đích thân thủ tướng Nhật Bản đến dự thượng đỉnh của NATO. Rõ ràng là từ 10 năm gần đây, có sự gia tăng các tương tác và hợp tác giữa Nhật Bản và NATO. Giờ thì điều đó đang được hợp thức hóa qua việc mở một văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản. »Nhìn từ Nhật Bản, việc thắt chặt quan hệ với NATO còn nhằm củng cố hơn nữa chiến lược chống xâm nhập dựa trên sự răn đe. Vị thế quân sự của Nhật đang dần thay đổi khi nước này đưa ra một Chiến lược An ninh Quốc gia mới và cho tăng dần mức ngân sách quốc phòng lên đến 2% của GDP, phù hợp với mức đóng góp dự kiến của các thành viên NATO. Trên trang mạng The Diplomat, nhà nghiên cứu về Nhật Bản, ông Matthew Venoit, thuộc Trung tâm Stimson, cho rằng những động thái trên của Nhật Bản cho thấy nỗi bất an ngày càng lớn của Tokyo đối với tình hình an ninh trong khu vực, xuất phát từ những hành động của các nước láng giềng – cụ thể là cuộc xâm lược Ukraina của Nga, các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng và đà gia tăng quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc. Một quan điểm cũng được Antoine Bondaz đồng chia sẻ: Một mặt Nhật Bản muốn khẳng định là không bị cô lập, qua mối quan hệ đồng minh với Mỹ, qua việc xích lại gần với Hàn Quốc và nhất là mối quan hệ hợp tác ba bên Washington – Tokyo – Seoul ngày càng chặt chẽ. Mặt khác, Nhật Bản cũng thể hiện mong muốn xích lại gần hơn với châu Âu trong việc chia sẻ thông tin, hay hợp tác đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nhưng bên cạnh đó, cũng còn có nhiều thách thức khác, cụ thể hơn, cần nhiều sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự. Nhà nghiên cứu Đông Bắc Á phân tích tiếp :Antoine Bondaz : « Chẳng hạn như thúc đẩy việc các trang thiết bị do NATO sử dụng có thể tương thích với thiết bị được dùng tại châu Á, bất kể là do Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc sử dụng. Hiện tại vẫn còn ít sự tương đồng tác chiến, nghĩa là quân đội châu Âu không nhất thiết sử dụng cùng loại thiết bị, cùng tiêu chuẩn, hay chuẩn mực như của Nhật Bản. Ở đây đúng là có vấn đề về tương đồng tác chiến giữa hai thực thể. Rộng hơn nữa, từ góc độ Nhật Bản, đây còn là một thông điệp mạnh mẽ cho Trung Quốc rằng nước này không thể đơn phương thay đổi và bằng vũ lực nguyên trạng của khu vực, dù là ở eo biển Đài Loan hay rộng hơn nữa. »Nhật Bản – NATO và những điểm tương đồngTheo ông Matthew Venoit, Nhật Bản có nhiều lý do chính đáng để xem NATO là trung tâm trong chiến lược răn đe của mình. Tokyo muốn nhắc nhở « liên minh quân sự lớn nhất trong lịch sử » về các mối đe dọa an ninh toàn cầu quan trọng ở vùng Đông Á. Nhưng đồng thời Tokyo cũng có thể cân nhắc phòng ngừa thái độ do dự của Washington đối với các đồng minh trong việc thực hiện chiến lược quốc phòng mới đầy tham vọng của Mỹ.Sự xích lại gần này còn được giải thích bởi những mối bận tâm chung giữa các đồng minh của NATO và Nhật Bản, bất kể là liên quan đến Nga hay là Trung Quốc. Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản, Peter Taksoe-Jensen, trả lời Nikkei Asia hồi tháng Năm từng bày tỏ quan ngại về những tác động của Trung Quốc cho an ninh xuyên châu Âu, và cho rằng việc « NATO duy trì các mối quan hệ với những đối tác trong khu vực là điều quan trọng. » Trong « khái niệm chiến lược » được công bố năm 2022, NATO lập luận rằng Trung Quốc đang đặt ra « nhiều thách thức mang tính hệ thống » đối với an ninh châu Âu – Đại Tây Dương, dù rằng Nga vẫn là « mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất cho an ninh của các đồng minh ».Theo nhận định của Antoine Bondaz, rõ ràng ngày càng có những thay đổi trong cách đánh giá các ưu tiên của NATO và Nhật Bản trong những năm gần đây, cho thấy những điểm tương đồng lợi ích trong nhiều hồ sơ, kể cả vấn đề khủng hoảng hạt nhân và tên lửa đạn đạo Bắc Triều Tiên hiện nay.Antoine Bondaz : « Trước đây tại Nhật Bản, người ta thường hay sử dụng thành ngữ nói rằng "châu Âu thấy đầu gấu nhưng chỉ thấy đuôi rồng, còn Nhật Bản thì có xu hướng thấy đầu rồng và chỉ thấy đuôi gấu". Điều đó có ý nghĩa tượng trưng là ưu tiên của châu Âu và Nhật Bản đối với Nga và Trung Quốc là rất khác nhau. Giờ thì họ thừa nhận cả hai cùng một lúc. Châu Âu và Nhật Bản đều xem Nga và Trung Quốc như một vấn đề an ninh chính, đương nhiên luôn với một quan điểm từ châu Âu : Nga vẫn là một ưu tiên và theo quan điểm Nhật Bản, Trung Quốc mới là mối bận tâm chính. »Đương nhiên, thông báo mở văn phòng liên lạc của NATO tại Nhật Bản đã khiến Bắc Kinh nổi dóa, cảnh báo một « NATO Thái Bình Dương ». Năm 2022, bộ Ngoại Giao Trung Quốc, thông qua lời phát ngôn viên Triệu Lập Kiên, đã mạnh mẽ chỉ trích NATO « đang vươn vòi đến tận châu Á – Thái Bình Dương, tìm cách xuất khẩu tâm lý Chiến Tranh Lạnh và làm hồi sinh sự đối đầu giữa các khối. » Bởi vì, tại châu Á – Thái Bình Dương, liên minh quân sự NATO ngoài Nhật Bản, còn có các đối tác khác là Úc, New Zealand và Hàn Quốc, trong khuôn khổ Asia Pacific Partners, còn được gọi tắt là AP4. Nếu như NATO biện minh rằng việc mở văn phòng liên lạc tại Tokyo sẽ cho phép liên minh quân sự tham vấn định kỳ với Nhật Bản và các đồng minh chủ chốt khác, tăng cường các quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực không gian mạng, chống tin giả, và ngăn ngừa các hiểm họa từ những công nghệ mới nổi, thì Trung Quốc xem đấy như là một « hành động bành trướng sang phía đông, vùng châu Á – Thái Bình Dương, can dự sâu hơn vào các vấn đề khu vực, một mưu toan phá hủy hòa bình và gây bất ổn cho khu vực (…) ».Hợp tác Nhật Bản – NATO : Lợi bất cập hại ?Đối với Bắc Kinh, thông báo này còn khẳng định nỗ lực của Mỹ kềm hãm Trung Quốc khi cho « phát triển các mô liên kết » giữa các đồng minh và đối tác ở châu Âu và tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Quả thật, theo phân tích của Antoine Bondaz, thông báo NATO sắp mở văn phòng liên lạc còn nhằm khơi dậy nhận thức của Liên Hiệp Châu Âu trước những thách thức tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương do sự trỗi dậy của Trung Quốc đặt ra.Hoa Kỳ muốn châu Âu hoạt động tích cực hơn tại khu vực để đối phó với Trung Quốc, dù Washington không chút ngây thơ và không hy vọng rằng châu Âu sẽ giữ một vai trò tác chiến quân sự tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương vào lúc khối 27 nước đang vất vả đối mặt với cuộc chiến tranh tại Ukraina. Antoine Bondaz nhận định tiếp :Antoine Bondaz : « Điểm thứ hai là vì không có khả năng triển khai lực lượng sang Ấn Độ - Thái Bình Dương, ngoại trừ một số nước như Pháp, Anh và có thể thêm Đức, Ý và Hà Lan, do vậy, ở đây mong muốn của Mỹ là không những NATO hiện diện thực sự tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, mà cả những nước thành viên, các đồng minh của NATO nhận thức được các vấn đề có liên quan đến sự trỗi dậy của Trung Quốc và tham gia cùng với Nhật Bản, bên cạnh Mỹ nhằm thực hiện một chiến lược cản trở Trung Quốc đơn phương thay đổi và bằng vũ lực nguyên trạng trong vùng. »Chỉ có điều, chiến lược này của Mỹ còn đào sâu thêm mối nghi kỵ đã có từ xa xưa của Trung Quốc đối với khối NATO. Bắc Kinh luôn phản đối việc NATO bành trướng sang phía đông và mở rộng nhiệm vụ để tiến hành các chiến dịch ngoài khu vực. Trung Quốc chưa bao giờ quên vụ tòa đại sứ của mình ở Beograd bị NATO dội bom nhầm năm 1999, làm thiệt mạng nhiều người. Theo quan điểm của chuyên gia Kelly Grieco, Reimagining U.S. Grand Strategy Program, trực thuộc Trung tâm Stimson, trên trang mạng The Diplomat, sự hiện diện ngày càng lớn của NATO và mối quan hệ hợp tác thực tế của khối này với các nước vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương có nguy cơ bị diễn giải như là một hành động tấn công, đe dọa, và như vậy có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực. Trung Quốc có thể sẽ tăng cường hợp tác với Nga, với hệ quả là một vòng hành động – phản ứng sẽ gây ra những bất ổn an ninh cho châu Âu và vùng Ấn Độ Thái Bình Dương. Trong bối cảnh này, câu hỏi đặt ra : Liệu rằng một hợp tác quân sự giữa châu Âu và Nhật Bản thông qua NATO có sẽ kém hiệu quả hơn so với mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Tokyo và châu Âu qua trung gian Liên Hiệp Châu Âu, trong khi NATO trong trước mắt cũng không có năng lực quân sự đủ để triển khai tại châu Á ? Về điểm này, chuyên gia Antoine Bondaz nhận xét:Antoine Bondaz : « Đúng là trên phương diện hợp tác quân sự, rõ ràng là khả năng tiềm tàng thấp hơn so với bình diện hợp tác kinh tế, nhất là bởi vì châu Âu không có năng lực triển khai lực lượng đến vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, ngoại trừ các nước Pháp, Anh… Dù vậy, vẫn còn nhiều khả năng hợp tác tiềm tàng trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Đây là những điểm nên nhắm đến, hiện đã có nhiều mối quan hệ hợp tác, chẳng hạn như họ đang nghĩ đến dự án sản xuất chiến đấu cơ thế hệ mới giữa Vương Quốc Anh, Ý và Nhật Bản. Trong nhiều lĩnh vực khác cũng có thể có những hợp tác. Nhưng điều rõ ràng là tiềm năng hợp tác chính giữa Nhật Bản và Châu Âu ngày nay nằm ở lĩnh vực kinh tế nhiều hơn là an ninh, quân sự. »RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz đã tham gia chương trình này.
    01/06/2023
  • Xung đột Nga-Ukraina : Trung Quốc thực tâm hay chỉ « vờ » làm trung gian hòa giải ?
    Thời gian gần đây, Bắc Kinh bất ngờ có các hoạt động ngoại giao dồn dập trong hồ sơ Ukraina, như trao đàm giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky, ngoại trưởng Tần Cương thăm Đức, Pháp và Na Uy và sự kiện gần đây nhất là chuyến công du năm nước châu Âu Ukraina, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga của đặc sứ Lý Huy. Sự việc cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực cân bằng các mối quan hệ với Nga và châu Âu. Theo phân tích của nhà khoa học chính trị Bonny Lin, cộng tác viên cho tổ chức cố vấn Mỹ RAND Corporation, trên trang mạng Foreign Affairs (17/05/2023), những hoạt động ngoại giao tích cực gần đây của Bắc Kinh cho thấy có sự thay đổi đáng kể trong cách đánh giá, hay đúng hơn là một sự điều chỉnh những nhận định sai lầm của Trung Quốc về tác động toàn cầu của cuộc chiến tranh Nga-Ukraina.Những đánh giá sai lầmKhi Nga xâm lược Ukraina tháng 2/2022, giống như các đồng nghiệp phương Tây, nhiều chuyên gia lớn của Trung Quốc ban đầu cũng cho rằng chiến tranh sẽ không kéo dài và hệ quả địa chính trị sẽ không vượt ra ngoài khu vực châu Âu. Nhưng sau đó, một nhóm các chiến lược gia hàng đầu của Trung Quốc, trong nhiều lĩnh vực học thuật khác nhau, đánh giá rằng xung đột khó thể sớm chấm dứt và Trung Quốc có thể hưởng lợi nếu cuộc chiến kéo dài.Do vậy, Bắc Kinh nên đứng ngoài và duy trì thế trung lập, biến cuộc khủng hoảng này thành cơ hội để xây dựng lại các mối quan hệ với Nga, Hoa Kỳ và châu Âu, do tất cả các bên đều phải trả giá ngày càng cao. Trong tầm nhìn này, họ chủ trương Trung Quốc nên bí mật hỗ trợ Nga để bảo đảm nước này có thể duy trì cuộc chiến và không bị sụp đổ, nhưng không nên ngả hoàn toàn theo Matxcơva.Ngoài ra, những chuyên gia này thúc bách Bắc Kinh nên tích cực hoạt động ngoại giao, ủng hộ các quan điểm được hầu hết các nước đưa ra, như tôn trọng chủ quyền và từ bỏ tâm lý Chiến Tranh Lạnh để định hình phản ứng quốc tế theo hướng có lợi cho mình. Trung Quốc nên đảm nhận những trách nhiệm mới, bao gồm cả việc đóng vai trò trung gian hòa giải và nhà hoạch định quy tắc cho một trật tự thế giới mới.Dường như những đề xuất này đã được Bắc Kinh chấp nhận khi cố gắng giữ vị thế trung lập trong cuộc xung đột và được thể hiện trong tuyên bố lập trường 12 điểm về Ukraina hồi tháng 2/2023, bao gồm nhiều quan điểm cụ thể từ một số chuyên gia Trung Quốc, như tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các nước, hay từ bỏ tâm lý Chiến Tranh Lạnh.Thay đổi nhận thứcTuy nhiên, sự lạc quan thận trọng này của giới chiến lược gia Trung Quốc sớm va chạm với thực tế. Những nỗ lực thể hiện sự trung lập của Bắc Kinh bị hầu hết các nước phát triển xem như là hoàn toàn thân Nga, theo như ghi nhận từ chuyên gia khoa học chính trị Bonny Lin trong một trao đổi trên trang mạng Foreign Affairs :« Tôi nghĩ điều đầu tiên là Trung Quốc "cố gắng" khẳng định lập trường của mình. Tôi nói là "cố gắng", vì có nhiều nhà quan sát khác đánh giá những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thể hiện sự trung lập còn xa mới thành công. Bắc Kinh hiện tìm cách giữ khoảng cách một chút trong mối quan hệ đối tác "Vô biên", một thuật ngữ đã bị nhiều nhà quan sát đánh giá là Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ các nỗ lực chiến tranh của Nga tại Ukraina. Do vậy Trung Quốc đã cố gắng tự đặt mình ở vị thế trung lập. Nhưng cùng lúc, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc hậu thuẫn rất nhiều các tờ báo lặp lại các luận điệu của Nga, nói rằng đây là cuộc chiến mà Nga có những lợi ích an ninh chính đáng, trong đó, NATO và Hoa Kỳ là một trong số những nguyên nhân chính gây ra chiến tranh và là bên ủng hộ cuộc chiến. »Xung đột dai dẳng đang làm hoen ố dần hình ảnh của Bắc Kinh trong con mắt công luận, nhiều chính phủ châu Âu và phương Tây nói chung. Thái độ của Trung Quốc đối với Ukraina chỉ làm cho quan hệ Trung – Mỹ thêm trầm trọng, làm tăng thêm mối lo của thế giới về ý đồ của Bắc Kinh có thể dùng vũ lực đối với Đài Loan, làm gia tăng sự ủng hộ của quốc tế đối với Đài Bắc, và như vậy làm cho môi trường an ninh Trung Quốc thêm phần nguy hiểm.Nếu như Trung Quốc xem xung đột ở Ukraina như là một cuộc chiến ủy nhiệm do NATO hậu thuẫn, đang làm suy yếu Nga, thì mặt khác Bắc Kinh cũng nhận thấy cuộc chiến này còn cho phép Washington củng cố và hồi sinh các mối liên minh ở châu Âu và những nơi khác. Bên cạnh đó là mối lo về nguy cơ leo thang chiến tranh hạt nhân Nga – NATO. Bị quân Ukraina kháng cự mạnh mẽ và đang cạn dần vũ khí, Matxcơva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân như một phương sách sau cùng, nếu cảm thấy có thể bại trận.Lần đầu tiên tại Hội Nghị An Ninh Munich diễn ra hồi tháng Hai, Bắc Kinh qua lời lãnh đạo ngoại giao cao cấp nhất Vương Nghị, đã bày tỏ mối lo xung đột có thể « leo thang và kéo dài », và cho rằng chiến sự « không nên tiếp diễn ». Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo nguy cơ chiến sự « vượt ngoài tầm kiểm soát ».Chuyển hướng chỉ tríchNhững thay đổi trong các đánh giá buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh cách tiếp cận đối với cuộc xung đột. Trung Quốc không đứng ngoài cuộc và thận trọng bước vào đấu trường trong những tháng gần đây. Chính phủ Trung Quốc nhắm đến việc thể hiện mình như là một nhân tố chủ chốt có thể giải quyết các xung đột. Ngoại giao sẽ cho phép Bắc Kinh làm chệch hướng những chỉ trích, đưa ra một cách nhìn khác về cuộc xung đột và có thể định hình kết quả theo những cách có lợi khi sử dụng lá bài ngồi lại với tất cả các bên để gây áp lực buộc các nước khác phải tôn trọng lợi ích của Trung Quốc.Tuy nhiên, theo bà Bonny Lin, mặc dù Trung Quốc luôn nỗ lực nhấn mạnh đến thế trung lập trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Ukraina thông qua đối thoại trực tiếp, việc miêu tả Mỹ và NATO là bên thúc đẩy xung đột khi cung cấp vũ khí cho Ukraina vẫn là một yếu tố quan trọng trong các thông điệp chính trị của Bắc Kinh. Những phát biểu này nhằm mục đích tập hợp khối phương Nam toàn cầu, tìm cách cắt xén các lập luận của Mỹ và châu Âu kêu gọi cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ Ukraina chống Nga xâm lược:« Đồng thời, chúng tôi thấy Trung Quốc nhận ra rằng khi cố gắng giữ vị thế trung lập, họ cần phải hoạt động nhiều hơn nữa, vì một số thông điệp chưa cho thấy có nhiều đột phá, nên Trung Quốc đã rất tích cực tiếp cận  các nước Nam bán cầu, để đảm bảo rằng những quốc gia này sẽ có thể gây áp lực buộc Hoa Kỳ và NATO phải chấm dứt chiến tranh trong thời gian ngắn hơn.Trung Quốc đã thấy mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột Ukraina giờ không chỉ mang tính cục bộ ở châu Âu nữa. Đúng là chiến sự đang tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, làm gián đoạn rất nhiều đến sản xuất lương thực, cũng như là nguồn cung năng lượng. Vì vậy, từ quan điểm của Trung Quốc, họ đang bảo vệ lập luận của mình và điều này thực sự rất phù hợp với lập trường của Trung Quốc trước cuộc xung đột Ukraina cho rằng Hoa Kỳ và NATO không nên đơn phương đưa ra các biện pháp trừng phạt. »Những diễn ngôn bất lợi cho UkrainaMột điểm khác được đa số các nhà quan sát phương Tây cùng ghi nhận là các diễn ngôn trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đều không có lợi cho Ukraina. Trang mạng The Diplomat lưu ý, trong đề xuất 12 điểm để đạt được giải pháp chính trị cho Ukraina, Bắc Kinh không bao giờ xem đấy như là một cuộc « chiến tranh » hay « xung đột ,» mà gọi đấy là một « cuộc khủng hoảng ».Và do vậy, lập trường 12 điểm của Bắc Kinh cũng không đề cập đến việc kêu gọi Nga triệt thoái toàn bộ binh sĩ và tái lập hoàn toàn đường biên giới cho Ukraina. Điều này hoàn toàn đi ngược với mong muốn của Kiev được thể hiện trong công thức hòa bình 10 điểm do tổng thống Zelensky đưa ra.Và đây cũng chính là điểm mâu thuẫn lớn trong thế "trung lập" của Bắc Kinh : Một mặt, Trung Quốc nhấn mạnh đến tôn trọng chủ quyền và mặt khác, từ chối mô tả cuộc xung đột là một cuộc xâm lược của Nga. Theo quan sát của bà Bonny Lin, trong giới học giả Trung Quốc, nhiều người xem việc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ chỉ là một trong 12 nguyên tắc cốt lõi để Trung Quốc cân bằng quan hệ. Nói một cách khác, đó không phải là nguyên tắc quan trọng nhất, hay một giá trị cần cần tôn trọng tuyệt đối.Điều này giải thích vì sao có phát biểu gây tranh cãi của đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã trên kênh truyền hình BFMTV của Pháp ngày 21/4 và chúng hoàn toàn phù hợp với hai luận điểm của Trung Quốc : Thứ nhất, Nga có những « lo ngại an ninh chính đáng » để sử dụng vũ lực chống lại Ukraina và thứ hai, cuộc « khủng hoảng » ở Ukraina là do « bối cảnh lịch sử sâu xa và những lý do thực tế phức tạp». Nói cách khác, Bắc Kinh có thể lập luận rằng cuộc xâm lược 2022 của Nga không thực sự bắt đầu từ cuộc xung đột ở Ukraina và như vậy Nga không phải là kẻ xâm lược. Cách giải quyết xung đột đòi hỏi phải quay ngược về lịch sử xa hơn, thời điểm Ukraina và bán đảo Crimée là một phần của Liên Xô. Điều này có thể giúp thúc đẩy một giải pháp chính trị dễ dàng hơn, theo đó, Nga vẫn giữ quyền kiểm soát các phần lãnh thổ của Ukraina mà Nga đã chinh phục được.Trung gian hòa giải : Nhiệm vụ khó khănĐây cũng có thể là cách Bắc Kinh thăm dò phản ứng của châu Âu, theo nhận định từ một số nhà quan sát, vào lúc Trung Quốc phát hiện có những rạn nứt trong phe ủng hộ Ukraina. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu có dấu hiệu gây áp lực buộc tổng thống Zelensky nên đàm phán với Nga, hay có những tiếng nói tại Mỹ kêu gọi chấm dứt viện trợ cho Ukraina.Dù vậy, hầu hết giới chuyên gia phương Tây đều có chung một nhận xét : Trung Quốc ý thức được rằng việc tìm kiếm một giải pháp cho xung đột Ukraina là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn và Trung Quốc cũng không muốn bị đổ lỗi nếu những nỗ lực của họ không thành công. Xu hướng « nước đôi » này của Trung Quốc được thấy rõ trong tuyên bố của ông Tập Cận Bình rằng « Trung Quốc không tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraina, cũng không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng » và đồng thời cũng nói rằng Bắc Kinh không thể « ngồi yên » khi xung đột leo thang.Trong bối cảnh này, bà Bonny Lin kết luận : Trung Quốc sẽ tiến hành một cách thận trọng. Bắc Kinh có thể tập trung vào việc cân bằng các ưu tiên cạnh tranh của mình : Một mặt duy trì mối quan hệ với Nga, một đồng minh thiết yếu trong cuộc đọ sức với Mỹ, do vậy Bắc Kinh không cho thấy có thiện chí và cũng không thể áp đặt điều gì đối với Matxcơva.Mặt khác, Trung Quốc không hoàn toàn xa lánh các nước châu Âu bằng cách làm hài lòng vừa đủ để làm chệch hướng những chỉ trích về vai trò của Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh muốn chứng tỏ họ có ích, nhưng lại không muốn mạo hiểm để bị cáo buộc đẩy lợi ích bên này lên trên lợi ích của bên kia trong tiến trình vận động ngoại giao !
    25/05/2023
  • Bầu cử Thái Lan : Đối lập thắng lớn, báo hiệu chấm dứt chế độ quân sự ?
    Tại Thái Lan, trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 14/05/2023, hai đảng đối lập Move Forward (Áo Cam) và Pheu Thai (Áo Đỏ) đã giành được thắng lợi áp đảo. Một thông điệp mạnh mẽ cử tri Thái gởi đến chính phủ do quân đội hậu thuẫn : Người dân không muốn quý vị tiếp tục cai trị. Liệu rằng kết quả này có sẽ là một dấu hiệu chấm hết cho những năm tháng cầm quyền của phe bảo thủ được quân đội hậu thuẫn? Bầu cử tại Thái Lan được giới quan sát đánh giá là một cuộc đọ sức dai dẳng giữa phe đòi dân chủ và phe bảo hoàng được quân đội hậu thuẫn. Cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật 14/5 là lần bầu cử thứ hai từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, lật đổ chính phủ dân cử của bà Yingluck Shinawatra và từ sau cuộc bầu cử được cho là « dân chủ » năm 2019, đưa cựu tướng quân đội Prayut Chan O Cha lên cầm quyền. Làn sóng Mầu Cam, một cơn chấn động chính trịEugenie Merieau, chuyên gia về Luật công, trường đại học Paris I Pantheon-Sorbonne, trên đài phát thanh France Culture trước hết lưu ý, việc thủ tướng mãn nhiệm Prayuth Chan O Cha giải thể quốc hội và tổ chức bầu cử sớm trên thực tế là một tính toán chính trị, chứ không phải vì áp lực của đường phố và đối lập:« Vì tin chắc rằng Thượng Viện là do quân đội bổ nhiệm trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị và có nhiệm kỳ đến năm 2024, với số 250 thượng nghị sĩ, cùng với 500 hạ nghị sĩ ở Quốc Hội, quân đội nghĩ là có nhiều cơ may giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử năm nay hơn là vào năm 2024, sau khi Thượng Viện do quân đội chỉ định mãn nhiệm kỳ. »Tính toán này của quân đội đã bị cử tri Thái "lật tẩy" qua việc dồn phiếu cho hai đảng đối lập Move Forward và Pheu Thai. Nhưng điểm bất ngờ lớn nhất trong cuộc bỏ phiếu năm nay là đảng Move Forward (MFP), mang tư tưởng cấp tiến, dưới sự dẫn dắt của Pita Limjareonrat, một doanh nhân trẻ tuổi, đã về đầu khi giành được 151 ghế nhờ có được hơn 14 triệu phiếu bầu, vượt qua cả Pheu Thai, đảng đối lập truyền thống, một lực lượng dân túy ở Thái Lan do gia tộc Shinawatra lãnh đạo trong suốt hai thập niên.Báo chí Pháp nói đến « một làn sóng Mầu Cam, một cơn chấn động chính trị ». Trang mạng CNN của Mỹ thì cho đấy là một « đòn giáng chí mạng »,  « một lời quở trách trực diện, một sự bác bỏ quá khứ độc tài quân sự » của người dân Thái. Để phản đối sự thống trị của quân đội trong chính phủ, lá phiếu bầu luôn là công cụ duy nhất, được người dân Thái sử dụng một cách áp đảo nhằm ủng hộ các đối thủ chính trị của quân đội. Cuộc bỏ phiếu hôm Chủ Nhật 14/5, là một sự tiếp nối của truyền thống đó, khi cử tri Thái tham gia bầu cử với một tỷ lệ cao kỷ lục (hơn 75%). Phe ủng hộ dân chủ : Những con rối của phương Tây ?Điều nghịch lý là dù chiến thắng áp đảo, lãnh đạo phe đối lập Pita Limjareonrat chưa chắc có thể trở thành thủ tướng chính phủ. Quân đội trong lần nắm quyền sau cùng đã cho sửa đổi Hiến Pháp năm 2014, theo đó, để có thể nắm quyền, một chính đảng phải có được đa số tuyệt đối là 376 ghế trong tổng số 500 ở Hạ Viện. Nếu không hội đủ, các đảng, bất kể số phiếu phổ thông dù thấp hay cao, đều sẽ phải lao vào  vận động và tranh giành sự ủng hộ từ nhiều đảng khác để có được liên minh đa số cầm quyền. Nhất là ứng viên cho chức thủ tướng của đảng đối lập hay từ một liên minh nào đó đều phải có được sự chấp thuận từ 250 thượng nghị sĩ do quân đội bổ nhiệm.Điều này giải thích vì sao tướng Prayut Chan O Cha, sau khi tiến hành cuộc đảo chính năm 2014, và giũ bỏ áo nhà binh để ra tranh cử năm 2019 vẫn đảm nhiệm được chức vụ thủ tướng trong chính phủ liên minh, dù là Pheu Thai là đảng giành được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử năm đó. Liệu kịch bản này có sẽ tái diễn ? Ông Thitanan Pongsudhirak, trường đại học Chulalongkorn, được CNN dẫn lại, cảnh báo « cái giá phải trả sẽ là đắt, nếu ai đó muốn tìm cách giảm thanh thế kết quả bầu cử hay hình thành một chính phủ thiểu số ».Ngoài ra, tại Thái Lan, phe đối lập chủ trương cải cách luôn vấp phải sự cản trở từ phe bảo thủ đầy quyền lực, một liên minh quy tỵ quân đội, phe bảo hoàng và giới tinh hoa có ảnh hưởng. Về điểm này, nhà nghiên cứu Eugenie Merieau giải thích:« Giống như tại nhiều nước châu Á, quý vị có một kiểu lên án đó là một con rối trong tay phương Tây. Những đòi hỏi của giới trẻ Thái Lan đưa ra trong các cuộc xuống đường biểu tình năm 2020 bị xem như là hệ quả trực tiếp từ hoạt động của đại sứ quán Mỹ ở Thái Lan, có thể đã tài trợ cho các nhóm phong trào ủng hộ dân chủ, một chuỗi các hiệp hội bảo vệ nhân quyền, v.v… Rõ ràng đây là một kiểu cáo buộc thường được quân đội sử dụng để hạ thấp uy tín của đối lập, cáo buộc họ chỉ là một con rối trong tay các thế lực ngoại bang phương Tây. »Giải thể, đảo chính : Những công cụ trấn áp đối lập của phe bảo hoàngĐây chính là những gì đã xảy ra với đảng Future Forward Party (FFP), tiền thân của đảng Move Forward hiện nay. Trong cuộc bầu cử năm 2019, FFP, rất được giới trẻ Thái ủng hộ, đã về thứ ba trong cuộc đua khi nhận được hơn 8 triệu phiếu. Thế nhưng, Tòa Bảo Hiến đã ra lệnh giải thể FFP và cấm 16 trong số các lãnh đạo của đảng năm đó tham gia chính trường trong vòng 10 năm. Tòa Bảo Hiến phán quyết rằng số tiền vay mượn của lãnh đạo đảng khi ấy là ông Thanathorn Juangroonggruangkit là tiền quyên góp, và do vậy đã vi phạm luật bầu cử. Nhật báo Libération ngày 23/02/2020 từng giải thích, trên thực tế, đảng cánh tả non trẻ này, được thành lập năm 2018, là một mối đe dọa cho quân đội và chế độ quân chủ. Cương lĩnh vận động tranh cử của FFP năm đó là kêu gọi một sự công bằng, dân chủ nhiều hơn, cải cách chế độ quân chủ và giảm bớt quyền lực của quân đội trên chính trường Thái. Theo nhận định của chuyên gia về Luật Công Eugénie Merieau, tại một đất nước có số cuộc đảo chính kỷ lục, 18 lần trong đó có 12 lần thành công trong chưa đầy một thế kỷ, thì quả thật, pháp lý là những công cụ tinh vi và hữu hiệu cho phép quân đội cùng phe bảo hoàng « vô hiệu hóa » đối lập mà không sợ bị Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ trừng phạt:« Trong đời sống chính trị Thái Lan, khả năng Tòa Bảo Hiến giải thể các chính đảng là cực kỳ cao. Đảng Pheu Thai, tức đảng của ông Thaksin, đã từng ba lần bị giải thể, do vậy, đây sẽ một trong số các rủi ro và chỉ đến khi nào các công cụ pháp lý này không còn hiệu quả thì khi ấy đảo chính quân sự mới được tiến hành. Đây chính là điều đã xảy vào năm 2014. Thủ tướng Thái lúc bấy giờ là bà Yingluck Shinawatra đầu tiên đã bị Tòa án Tối cao phế truất, rồi sau đó là Tòa Bảo Hiến. Chỉ đến khi bà từ chối từ nhiệm thì lúc ấy quân đội mới tiếm quyền bằng đảo chính. »Quân đội có sẽ đảo chính lần nữa ?Giờ đây, Move Forward tiếp nối cương lĩnh năm xưa của FFP và đã giành được thắng lợi vang dội ngoài mong đợi trong kỳ bỏ phiếu 14/5. Tuy nhiên, theo ông Thitanan Pongsudhirak, trường đại học Chulalongkorn, với các chính sách xã hội như bài trừ nạn tham nhũng, cải cách hệ thống giáo dục và sửa đổi luật khi quân hà khắc, Move Forward đã vượt qua một lằn ranh khác, không còn mang tư tưởng dân túy. Phe bảo thủ phản đối quyết liệt bất kỳ sửa đổi nào trong luật về khi quân. Đối với họ, hoàng gia đứng trên cả chính trị và theo Hiến pháp, quốc vương phải được « tôn kính ». MFP có nhiều nguy cơ bị giải thể, bị vướng vào các cáo buộc như tham nhũng, vi phạm luật bầu cử, vì đã có đơn khiếu nại gởi lên Ủy ban bầu cử trước cuộc bỏ phiếu, cáo buộc Pita đã vi phạm luật bầu cử vì đã nắm giữ cổ phần trong một công ty truyền thông. Move Forward có sẽ phải chịu cùng số phận như Future Forward như năm 2019 hay không ? Hay liệu rằng đảo chính có sẽ lại diễn ra ? Nhà nghiên cứu Eugenie Merieau cho rằng không thể loại trừ bất cứ khả năng nào. Tuy nhiên, bà cảnh báo cuộc đảo chính sắp tới có thể sẽ là lần cuối cùng. Mỗi lần thực hiện, quân đội đều biện minh là để bảo vệ hoàng gia, nhưng lập luận này giờ ngày càng khó được người dân Thái chấp nhận:« Quân đội luôn có được sự tán thành của nhà vua, nhưng vị vua trước đó, quốc vương Bhumibol Adulyadej, rất được đại đa số người dân Thái tôn kính. Trong khi đó, quốc vương Vajiralongkorn, lên ngôi năm 2016, lại ít được lòng dân hơn. Chúng ta có thể nghĩ rằng việc ông đồng tình cho một cuộc đảo chính sẽ không được chấp nhận như vào thời cha ông. Chúng ta cũng có thể dự đoán là những cuộc đảo chính trong tương lai sẽ bị phản đối nhiều hơn, thậm chí dần dần trở nên khó thể thực hiện đối với quân đội. »
    18/05/2023
  • Xung đột Ukraina và tranh luận về thế trung lập của Thụy Sĩ
    Cuộc xung đột tại Ukraina đặt Thụy Sĩ trong một thế khó để giải thích về thế trung lập. Tuy lên án cuộc chiến xâm lược của Nga chống lại Ukraina, chính quyền Berne kiên định với lập trường « trung lập » từ chối cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraina, gây khó chịu cho nhiều nước phương Tây. Từ ngày 01/01/2023, Thụy Sĩ – gia nhập Liên Hiệp Quốc từ năm 2002 – lần đầu tiên là thành viên không thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Một bước tiến khác « mang tính lịch sử » là tháng 5/2023, Thụy Sĩ đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An trong vòng một tháng. Một vai trò mà nhiều nhà quan sát cho rằng sẽ « đầy gian nan », do vị thế trung lập của nước này trong cuộc chiến xâm lược do Nga tiến hành tại Ukraina.« Thụy Sĩ là một quốc gia trung lập ! »Nhưng đối với Thụy Sĩ, thế trung lập này, có được từ hơn hai thế kỷ qua, còn là một « giá trị », một « chuẩn mực », đi kèm theo chiều dài lịch sử đương đại đất nước kể từ thế kỷ XIX. Trên Đài Phát thanh – Truyền hình Thụy Sĩ (RTS) ngày 14/03/2022, nhà sử học Matthieu Gillabert, đại học Fribourg, trước hết nhắc lại rằng « quy chế trung lập được ban hành sau Cuộc chiến 30 năm vào thế kỷ XVII, nhưng mãi đến năm 1815, các cường quốc lớn ở châu Âu mới công nhận Thụy Sĩ là quốc gia trung lập. Từ đó, Thụy Sĩ không ngừng khẳng định vị thế này của mình trong nhiều cuộc xung đột lớn đánh dấu thế kỷ XX, hay nhiều cuộc xung đột khác. »Với quy chế trung lập vĩnh viễn được các cường quốc thắng trận trong các cuộc chiến với Napoleon trao năm 1815 tại Đại hội Vienna, Thụy Sĩ phải tuân thủ các quy định như không tham dự vào các cuộc xung đột, không cung cấp lính đánh thuê, đổi lại, sẽ không còn một cuộc chiến nào diễn ra trên lãnh thổ Thụy Sĩ.Và nguyên tắc này vẫn không thay đổi. Luật về thế trung lập được quốc tế ban hành năm 1907 tại La Haye còn bắt buộc các nước tham gia quy chế này không được tham chiến dù là trực tiếp hay gián tiếp. Các nước trung lập phải đối xử bình đẳng với quân đội các nước tham chiến. Điều đó có nghĩa là những nước này không thể cho phép bay vào không phận, cũng như cung cấp vũ khí – kể cả qua một trung gian một nước thứ ba – cho phe tham chiến này hay phe kia.Nếu như quy chế này đã được quy định rõ trong Hiến Pháp của Thụy Sĩ, theo quan điểm của giáo sư sử học Matthieu Gillabert, khi nói đến thế trung lập, cần phải hiểu đó còn là cả một chính sách trung lập. « Để cho một quốc gia được trung lập, và thế trung lập của nước đó được tôn trọng, người ta phải xây dựng một chính sách trung lập, nghĩa là phải truyền đạt chính sách đó và nhất là phải thể hiện rõ chính sách này giữa các cuộc xung đột khác nhau. »Chính sách này đã được Thụy Sĩ không ngừng nhắc đến kể từ đầu cuộc xung đột Nga – Ukraina đến nay. Thăm Kiev ngày 20/10/2022, ông Ignazio Cassis, với tư cách là tổng thống Thụy Sĩ năm đó, trong buổi họp báo cùng đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky, tuy lên án Nga gây hấn, vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhưng ông cũng không quên nhấn mạnh « Thụy Sĩ là một nước trung lập ».« Trung lập toàn diện » ?Vị thế này không ngăn cản chính quyền Berne đi theo Liên Hiệp Châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga. Hơn bảy tỷ franc Thụy Sĩ vốn dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga cùng nhiều bất động sản khác đã bị phong tỏa ở Thụy Sĩ.Nếu như động thái này của Berne được các nước phương Tây đồng minh chính của Kiev xem là một cử chỉ « từ bỏ » chính sách trung lập, thì ở trong nước sự việc đã làm dấy lên một cuộc tranh luận giữa hai phe về việc định nghĩa và xác định tầm quan trọng của thế trung lập. Cuộc tranh cãi còn thêm phần gay gắt khi đề cập đến khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraina.Phe bảo thủ, đi đầu là Liên minh Dân chủ Cánh trung (CDU) mang tư tưởng dân túy, chủ trương duy trì một thế trung lập nghiêm ngặt và đề xuất một sáng kiến công dân nhằm đưa vào Hiến Pháp một quy chế « trung lập toàn diện » nghĩa là không tham gia cả các trừng phạt kinh tế. Trả lời phỏng vấn báo Le Monde (01/05/2023), Christophe Blocher, cựu lãnh đạo đảng CDU, ví quyết định theo chân Liên Âu trừng phạt Nga như là một hành động can dự vào cuộc xung đột, vô hình chung biến Thụy Sĩ thành một trong số các kẻ thù của Nga.Theo ông, « một ngày nào đó cuộc xung đột sẽ phải chấm dứt, và Thụy Sĩ sẽ có thể đóng vai trò trung gian. Hơn nữa, cuộc gặp sau cùng giữa Biden và Putin trước khi chiến tranh nổ ra là diễn ra ở Geneve hồi tháng 6/2021. Bây giờ đối với Nga, Thụy Sĩ không còn là một chọn lựa nữa. »Phe mang tư tưởng tự do cấp tiến, hiện chiếm đa số trong chính phủ, lại ủng hộ một thế trung lập tích cực. Cũng trên kênh RTS, Brigitte Crottaz, dân biểu đảng Xã hội của bang Vaud đánh giá đề xuất của đảng CDU chưa hẳn là một giải pháp mầu nhiệm:« Kể từ năm 1815, chúng ta đã đồng tình là chính Hội đồng Liên bang phải xem xét mọi khía cạnh của vấn đề và đưa ra giải pháp áp dụng. Tôi không hiểu vì sao vào năm 2022, chúng ta phải quyết định ghi vào Hiến Pháp các điều khoản rất cứng nhắc về tính trung lập. Tôi cho rằng phải đánh giá thế trung lập tùy theo tình hình quốc tế ».Chính sách trung lập : Công cụ cả đối ngoại và đối nộiNhưng đây cũng không phải là lần đầu tiên Thụy Sĩ tranh cãi về thế trung lập của mình. Sử gia Christophe Farquet lưu ý lập trường trung lập của Thụy Sĩ chưa bao giờ là bất khả xâm phạm và đã đôi lần thay đổi tùy theo tình huống. Từ khi nước này gia nhập Liên Hiệp Quốc năm 2002, Thụy Sĩ cũng như nhiều quốc gia trung lập khác phải rời xa dần khái niệm trung lập truyền thống và xích lại gần hơn với cộng đồng quốc tế.Theo quan điểm của chuyên gia người Áo về luật quốc tế, Peter Hilpold, đại học Innsbruck, được RTS trích dẫn, Thụy Sĩ xuất phát từ nguyên tắc rằng luật trung lập không áp dụng cho các nhiệm vụ quân sự của Liên Hiệp Quốc, bởi vì, cuối cùng chính Hội Đồng Bảo An « muốn tái lập hòa bình trên thế giới ».Do vậy, « tính chất trung lập theo nghĩa cổ điển sẽ khó mà tương thích với việc là thành viên của Liên Hiệp Quốc và còn ít hơn nữa nếu nước này nằm trong Liên Hiệp Châu Âu ». Chính vì điểm này mà Thụy Sĩ đã quyết định không gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, không giống với nhiều nước trung lập khác như Irland, Thụy Điển và Áo.Còn theo phân tích của Stefanie Walter, giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế và Kinh tế - Chính trị trường đại học Zurich, « trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Thụy Sĩ đã ngầm đứng về phía phương Tây. Hơn nữa, nước này có một lập trường về nhân quyền ». Trong khuôn khổ cuộc chiến Ukraina, Liên bang Thụy Sĩ đã ngay lập tức lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraina là đi ngược với luật lệ quốc tế.Dẫu sao thì giới chuyên gia cũng có cùng một nhận định, trong trường hợp xảy ra xung đột, mà cuộc chiến tranh Nga – Ukraina hiện nay là một ví dụ điển hình, rõ ràng trung lập là một hướng khó đi theo. Nhà sử học Matthieu Gillabert nhắc lại vì sao trong suốt Đệ Nhị Thế Chiến, tính chất trung lập của Thụy Sĩ luôn được đi kèm với chính sách truyền thông về vị thế lập trường quan trọng này.Ông nói : « Năm 1938, Hội đồng Liên bang ban hành trở lại điều được gọi vào thời điểm đó là thế trung lập toàn diện, khác với tính trung lập khác biệt, buộc Thụy Sĩ phải thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế trong khuôn khổ của Hội Quốc Liên. Và từ năm 1938, Thụy Sĩ đã bổ sung các tùy viên báo chí trong các phái bộ ngoại giao và các tòa đại sứ Thụy Sĩ ở nước ngoài để truyền đạt tính trung lập này trong suốt Chiến tranh lạnh. »Cuối cùng, cũng theo ông Matthieu Gillabert, việc Thụy Sĩ luôn kiên định và mạnh mẽ nhắc đi nhắc lại vị thế trung lập không chỉ nhằm mục đích đối ngoại, mà còn cho phép Thụy Sĩ « vô hiệu hóa » những thành tố khác biệt văn hóa và tôn giáo hình thành nên đất nước. « Trong thời kỳ Chiến Tranh Thế Giới Thứ nhất, có một thời gian chia rẽ đã hình thành. Trước tình hình này, một chính sách trung lập tích cực đã được thiết lập, họ bổ sung vào đó nhiều giá trị khác như nhân đạo mà chúng ta có trong suốt thế kỷ XX, rồi Thụy Sĩ còn thêm tình liên đới vào chính sách trung lập. Đó là một cách để củng cố thế trung lập cả trong nội bộ người dân lẫn ở bên ngoài để làm cho thế trung lập này trở nên hữu ích hơn bên lề thế giới. Chẳng hạn như sau Đệ Nhất Thế Chiến, khi tham gia hiệp ước Versailles, thế trung lập của Thụy Sĩ đã được công nhận vì tính hữu ích của chính sách này đối với nền hòa bình. »
    11/05/2023
  • Nga và những thay đổi trong học thuyết răn đe hạt nhân
    Ngày 25/03/2023, tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Matxcơva sẽ triển khai vũ khí nguyên tử « chiến thuật » tại Belarus. Đây không phải là lần đầu tiên Nga nói đến việc dùng vũ khí hạt nhân kể từ khi xảy ra xung đột Ukraina từ hơn một năm qua. Một số nhà nghiên cứu tại Pháp nhận định những tuyên bố này nằm trong chiến lược « đe dọa hạt nhân », một phần trong học thuyết răn đe hạt nhân của Nga. Liên Xô – Hoa Kỳ và cán cân khủng bố hạt nhânNgược dòng thời gian, tháng 8/1949, dưới thời Stalin, Liên Xô thử quả bom hạt nhân đầu tiên RDS-1, có sức mạnh tương đương với quả bom hạt nhân mà Hoa Kỳ thả xuống thành phố Nagasaki bốn năm về trước.Chỉ trong vòng 9 năm, từ năm 1953 đến năm 1962, thời điểm xảy ra khủng hoảng tên lửa Cuba, số đầu đạn hạt nhân của Liên Xô tăng vọt từ 120 lên 3.222, để rồi đạt đỉnh 45 ngàn đầu đạn năm 1986, năm xảy ra tai nạn hạt nhân Tchernobyl. Con số này nhiều hơn của Mỹ gấp hai lần.Khi Vladimir Putin lên cầm quyền năm 2000, số đầu đạn hạt nhân của Liên Bang Nga giảm xuống còn 21 ngàn và theo ước tính hiện tại, Nga có khoảng 5.400 đầu đạn hạt nhân, con số cao nhất trong số 9 cường quốc hạt nhân hiện nay.Nhưng trong suốt thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, cán cân khủng bố hạt nhân dựa trên thế mạnh ngang bằng và nguy cơ hủy diệt lẫn nhau giữa hai bên. Việc cả Washington và Matxcơva đều tin rằng một cuộc tấn công hạt nhân sẽ dẫn đến những vụ trả đũa lẫn nhau, cuối cùng chỉ có thể đi đến sự hủy diệt hoàn toàn, đã cho phép loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đối đầu trực diện giữa hai đại cường.Về điểm này, Olivier Zajec, giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng, đại học Jean Moulin – Lyon 3, trả lời phỏng vấn Le Figaro (07/10/2022), nhận xét thêm :« So với thời Liên Xô, ở đây có khía cạnh về lượng. Nước Nga có ít đầu đạn hạt nhân hơn nhiều so với thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Trong suốt giai đoạn này, Liên Xô đánh giá cao vũ khí hạt nhân bằng cách sử dụng chúng trong các diễn ngôn, kể cả về mặt chính trị và quân sự. Hơn nữa Liên Xô thời kỳ đó từng cam kết không bao giờ sử dụng chúng trước tiên trong một xung đột. Giờ thì Nga từ bỏ chính sách không là bên sử dụng đầu tiên, một chính sách cường quốc, có thể nói mang tính thống trị. »Làm thế nào giải thích cho sự thay đổi đó ? Mọi việc có lẽ bắt nguồn từ Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (IDS) do tổng thống Ronald Reagan đưa ra năm 1983, từ bỏ học thuyết cán cân sợ hãi, đoạn tuyệt với hệ thống đáp trả hạt nhân tức thì. Nhưng chương trình IDS của Mỹ, ngoài việc phát triển một hệ thống lá chắn tên lửa bảo vệ Hoa Kỳ trước một cuộc tấn công hạt nhân của Liên Xô, còn nhằm mục đích bóp nghẹt nền kinh tế của Liên Xô đang gặp khó khăn.Hạt nhân bù đắp cho sự yếu kém về vũ khí quy ướcLiên Xô tan rã tháng 12/1991. Nước Nga mới hình thành tuyên bố từ bỏ cam kết « không là bên đầu tiên sử dụng » vũ khí hạt nhân trong học thuyết quân sự năm 1993. Chính sách răn đe hạt nhân khi ấy được xem như là một phương tiện bù đắp cho sự yếu kém về vũ khí quy ước, liên quan đến những thiếu sót về năng lực, và được ông Vladimir Putin tiếp tục duy trì trong những năm đầu cầm quyền.Đến cuối thập niên 1990, nhiều chuyên gia Nga bắt đầu nhắm đến một khái niệm mới : Tấn công hạt nhân hạn chế, được thực hiện với sự hỗ trợ của vũ khí chiến thuật tầm ngắn trong khuôn khổ một « cuộc chiến tranh hạt nhân có giới hạn ». Lập trường này vào năm 2010 đã được một chuyên gia Nga nổi tiếng, Yuri Fedorov, cổ vũ, cho rằng quân đội Nga có thể sử dụng hạn chế vũ khí hạt nhân nhằm ngăn ngừa, hay chặn đứng một cuộc tấn công từ các lực lượng quy ước vượt trội hơn. Lập trường này sau đó đã được Nga ghi vào học thuyết quân sự năm 2014. Theo đó, Nga không chỉ nhắm đến việc tấn công hạt nhân trả đũa, mà rất có thể sẽ đánh phủ đầu trước tiên nếu sự sống còn của nước Nga bị đe dọa, và/hay như những loại vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng chống lại Nga hay một đồng minh của Nga.Lợi ích của chúng là gì ? Loại vũ khí này có thể sử dụng được trên chiến trường mà không lo nhận lãnh một đòn trả đũa hủy diệt từ kẻ thù, đồng thời có thể gây ra những thiệt hại cho phép giảm leo thang và chấm dứt xung đột.Cũng trên báo Le Figaro, Olivier Zajec giải thích tiếp :« Nguyên lý của vũ khí hạt nhân chiến thuật, về mặt lý thuyết, đó là tăng dần khả năng hủy diệt nguyên tử và người ta hy vọng có thể thu được những lợi thế trên bình diện chính trị và quân sự. Chúng ta đang chứng kiến sự trở về của điều mà người ta gọi là "thuyết chiến thắng hạt nhân". Đó là lý do tại sao người ta cho là chiến thuật. Ngày nay, người ta cho rằng có những "quốc gia đạo tặc" ngày càng đặt cược nhiều vào việc một số cường quốc không thể sử dụng vũ khí hạt nhân. Đại khái, "có một hành động gây hấn, chuyện đang xảy ra ở rất xa, chưa đáng để sử dụng tấn công hạt nhân". Thế là họ không sử dụng năng lực hạt nhân. Và do vậy, những "quốc gia đạo tặc"có thể lợi dụng điều đó. Một số chuyên gia, chiến lược gia, hay quốc gia, từ vài năm gần đây, đánh giá rằng tạo tính chính đáng cho khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật có hỏa lực thấp hơn có thể giúp khôi phục khả năng răn đe ».Theo nhận định của Céline Marangé, chuyên gia về Nga, Ukraina và Trung Á, Viện Nghiên cứu Chiến lược trường Quân Sự Pháp, trong một bài tham luận đăng trên Tạp chí Quốc Phòng (số mùa hè năm 2017), cú hích dẫn đến những thay đổi lớn trong học thuyết răn đe hạt nhân của Nga là cuộc chiến tại Gruzia năm 2008. Cuộc xung đột này đã làm lộ rõ những yếu kém lớn về năng lực quân đội. Nga cần phải củng cố uy tín lực lượng chính quy và chính sách răn đe hạt nhân.Và hai thay đổi lớn quan trọng này đã được ông Valery Guerassimov, tham mưu trưởng, thứ trưởng Quốc Phòng Nga, trình bày trong một bài viết đăng năm 2013. Một mặt, các phương tiện phi quân sự được nâng cao vai trò và việc gây ảnh hưởng từ xa mà không cần tiếp xúc với địch thủ trở thành một phương cách chính để đạt các mục tiêu chiến đấu và tác chiến. Mặt khác, phổ biến sử dụng các loại vũ khí có độ chính xác cao và tích cực đưa vào trong quân đội các loại vũ khí được thiết kế dựa trên những nguyên tắc vật lý mới và các hệ thống rô-bốt hóa.Vũ khí hạt nhân : Từ răn đe phòng thủ đến dọa dẫmXuất phát từ hai ghi nhận này, giới chức Nga đã phát triển một chiến lược dựa trên sự tác động ảnh hưởng và gây bất ổn chính trị, cũng như răn đe và dọa dẫm chiến lược. Chính trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây mà hạt nhân của Nga được khoác thêm một tầm quan trọng mới. Vũ khí nguyên tử được sử dụng để bù đắp cho sự yếu thế tương đối của lực lượng quy ước của Nga so với các lực lượng của NATO và trong tiềm tàng là với Trung Quốc. Cũng theo nhà nghiên cứu Céline Marangé, điểm mới trong học thuyết răn đe của Nga, hay đúng hơn là sự trở về với kiểu luận điệu của Nikita Khrouchtchev, đó là hạt nhân giờ được sử dụng để đe dọa đối thủ và chứng tỏ sự trở lại của cường quốc Nga. Đó là những gì tổng thống Putin hay nhiều nhân vật quan trọng Nga thường hay nhắc đến ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraina tháng 12/2013 và ngay sau ngày sáp nhập bán đảo Crimée : Dọa biến Hoa Kỳ thành tro bụi phóng xạ (3/2014), đặt lực lượng hạt nhân trong tình trạng báo động (3/2015).Trước đó, quân đội Nga còn mô phỏng tấn công hạt nhân Vacxava (2009), mô phỏng tấn công hạt nhân Thụy Điển (2013), hay tăng cường tuần tra do thám có trang bị vũ khí hạt nhân… Bên cạnh những hành động này, quân đội Nga còn triển khai nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến thuật gần biên giới với Liên Hiệp Châu Âu, như lắp đặt tên lửa đạn đạo Iskander lưỡng dụng tại Crimée, Kaliningrad và vùng quân sự phía Tây của Nga.Về điểm này, chuyên gia về quốc phòng Olivier Zajec tại Lyon, đưa ra một số phân tích : «Trên thực tế, ngân sách dành cho quốc phòng của Nga là tương đối hạn chế. Hiện nay, mức ngân sách hàng năm là khoảng 70 tỷ đô la, trong khi đó Mỹ dành đến 770 tỷ đô la. Rõ ràng nước Nga chỉ là một tiểu cường quốc trên bình diện ngân sách. Những năm gần đây, Nga không thể tự cho phép mình mua hết tất cả, do vậy họ buộc phải chọn lựa. Chúng ta cũng đã thấy rõ tình trạng kém hiệu quả của quân đội Nga ở Ukraina.Ngược lại, các loại vũ khi hạt nhân, vũ khí có độ chính xác cao, những loại vũ khi mới là những ưu tiên. Ở đây, chúng ta có nguy cơ nhìn thấy vũ khí hạt nhân được xem như là một giải pháp để bù đắp quá mức cho điểm yếu của lực lượng quy ước Nga, nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraina, đang diễn ra tại những vùng giáp với biên giới Nga ».Như để khẳng định cho tầm nhìn chiến lược này, năm 2018, đích thân tổng thống Vladimir Putin đã hãnh diện tiết lộ những loại vũ khí « bất bại » mới mà Nga đang trang bị cho quân đội : Những tên lửa siêu thanh có thể điều khiển để tránh đòn phản công ; drone lặn khó phát hiện dù chỉ cách bờ biển đối thủ vài km, hay tên lửa SARMAT, còn được gọi là « Satan 2 », có tầm bắn vô giới hạn.Một điều chắc chắn là, những thay đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga, ngoài việc chứng minh khả năng đổi mới công nghệ của Matxcơva trong lĩnh vực này, Nga còn đạt được một mục tiêu khác : Chứng tỏ cho Washington thấy rằng Nga đang qua mặt Mỹ trong công nghệ vũ khí hạt nhân và nước này đang triển khai những công nghệ tiên tiến. Do đó, Nga còn xa mới bị xem như là một cường quốc hạt nhân hạng hai. Tóm lại, Nga vẫn là một thách thức nghiêm trọng cho sức mạnh Hoa Kỳ.Chuyên gia Olivier Zajec kết luận : « Nga đã bảo vệ được vị thế cường quốc hạt nhân. Nước Nga vẫn là một cường quốc hạt nhân đáng tin cậy. Đó là lý do vì sao ngày nay các lãnh đạo phương Tây vẫn tỏ ra thận trọng trước Nga ! »
    04/05/2023

À propos de Tạp chí tiêu điểm

Thời sự quốc tế nổi bật qua lăng kính của RFI

Site web du podcast

Écoutez Tạp chí tiêu điểm, RMC Info Talk Sport ou d'autres radios du monde entier - avec l'app de radio.fr

Tạp chí tiêu điểm

Tạp chí tiêu điểm

Téléchargez gratuitement et écoutez facilement la radio.

Google Play StoreApp Store

Tạp chí tiêu điểm: Radios du groupe