Partner im RedaktionsNetzwerk Deutschland
Écoutez Tạp chí đặc biệt dans l'application
Écoutez Tạp chí đặc biệt dans l'application
(26.581)(171.489)
Sauvegarde des favoris
Réveil
Minuteur
Sauvegarde des favoris
Réveil
Minuteur
AccueilPodcasts
Tạp chí đặc biệt

Tạp chí đặc biệt

Podcast Tạp chí đặc biệt
Podcast Tạp chí đặc biệt

Tạp chí đặc biệt

ajouter
Phân tích những hồ sơ lớn, nóng bỏng.  Voir plus
Phân tích những hồ sơ lớn, nóng bỏng.  Voir plus

Épisodes disponibles

5 sur 24
  • Cannes 2023 : Lao động trẻ Trung Quốc trong ống kính của nhà làm phim tài liệu Vương Bính
    Hiếm khi nào mà một phim tài liệu được lọt vào danh sách tranh giải Cành Cọ Vàng, cũng hiếm khi nào mà 2 bộ phim của cùng một đạo diễn được giới thiệu tại Cannes. Đạo diễn Trung Quốc Vương Bính (Wang Bing) đã tạo ra bước đột phá tại Liên hoan phim Cannes năm nay, với phim “Jeunesse” (Thanh Xuân) tranh giải chính thức và “Man in Black” được giới thiệu trong buổi chiếu đặc biệt.  Trong vòng 5 năm, đạo diễn Vương Bính đã bước vào thế giới của những thợ may làm việc tại Hồ Châu, khu vực tập trung gần 18 000 xưởng may nhỏ, nằm cách trung tâm tài chính Thượng Hải 150 cây số. Trong phim tài liệu duy nhất tranh giải Cành Cọ Vàng năm nay, Jeunesse (Thanh xuân), máy quay của đạo diễn đưa người xem vào các xưởng may lộn xộn, bừa bãi, đằng sau những bức tường sơn cũ, một vài chỗ đã nấm mốc, được chiếu sáng bằng đèn huỳnh quang lờ mờ. Các thợ may, chủ yếu trong độ tuổi 17 đến 20, làm việc với tốc độ nhanh chóng. Những ngón tay thoăn thoắt đẩy vải, luồn qua những chiếc máy khâu, như một cảnh được tua nhanh, chẳng khác gì một tuổi trẻ chóng vánh cứ thế trôi qua trước những tiếng máy khâu, kêu rè rè xuyên suốt bộ phim dài hơn 3 tiếng, như trở thành thứ âm thanh của cuộc sống.   Đạo diễn không có ý định đưa một cá nhân nào trở thành nhân vật chính, mà nêu bật một tập thể mà trong đó mỗi cá nhân đóng một vai trò nào đó. Những bài hát tiếng Hoa được phát tại các xưởng may, không lấn át được tiếng máy khâu, như là tiếng nói trải lòng của những lao động trẻ, vẫn đầy năng lượng dù điều kiện sống có khó khăn. Từ những gói mì ăn chóng vánh cho đến những chậu nước ngâm chân, ống kính của Vương Bính len lỏi trong khu ký túc xá chật hẹp, kém vệ sinh, dõi theo những cuộc hẹn hò, đi đến các bữa tiệc sinh nhật đơn giản, mà những lao động chủ yếu là người từ vùng khác đến, kết thành bạn, tổ chức cho nhau.  Một tuổi trẻ quá mệt mỏi để mộng mơTrước bàn khâu, những cô gái chàng trai nói về những giấc mơ đơn thuần, về tình yêu, những lời tán tỉnh, cũng như các cuộc cãi vã, xung đột. Những khát vọng khiêm tốn đến đau lòng : cố làm thêm vài chiếc, kiếm thêm một chút, có tiền thì mới lấy được vợ, nuôi con, hay giấc mơ mở một xưởng may nhỏ. Dường như ở thành phố chủ yếu là lao động nhập cư, chẳng ai dám có ước mơ xa hơn, vượt qua những khu nhà xám xịt, rêu mốc, như trường hợp của một cô thợ may trẻ, đến làm ở quán net sau giờ làm việc, kiệt sức đến ngủ gật, có lẽ quá mệt mỏi để mộng mơ.  Áp lực kinh tế bao trùm lên cuộc sống của các nhân vật, nhưng họ không phải là những người chịu chấp nhận số phận, mà phản kháng, đấu tranh cho quyền lợi của mình. Phần lớn bộ phim dành cho cuộc đàm phán tăng lương, tăng phúc lợi giữa giới chủ và các lao động tại những công xưởng khác nhau. Các công nhân thương lượng, đưa ra chiến lược để kiếm thêm vài đồng cho các sản phẩm mà họ làm ra, bị ép giá từ 5 đến 12 nhân dân tệ cho mỗi chiếc. Một cảnh có lẽ khiến người xem ấn tượng ngay mở đầu phim, đó là khi một nữ công nhân trẻ lỡ mang thai, bị ông chủ ngăn cản đi phá thai vì cô phải hoàn thành chỉ tiêu công việc trước : “Nếu cô nghỉ một tuần thì lấy ai làm việc ?”   Không có bất cứ bình luận, phán xét nào, phim tài liệu của Vương Bính nhường lời cho những lao động nói về cuộc sống của họ : “Không đổ mồ hôi, thì không có tiền, làm càng nhanh thì kiếm càng nhiều”. Không có nhiều hình ảnh đẹp, máy quay rung lắc đi sau các nhân vật, như hòa vào nhịp điệu cuộc sống của họ, không tươi sáng, cũng không kịch tính hóa câu chuyện đó.  Đây không phải là lần đầu tiên Vương Bính cho ra mắt một phim tài liệu về giới lao động. Trong cuộc họp báo tại Liên hoan Cannes hôm 18/05 vừa qua, ông nhận định: “Trong các bộ phim của mình, tôi thường đề cập đến chủ đề này theo những cách khác nhau. Theo tôi, có một điều trong xã hội khiến tôi quan tâm, đó là lúc mà sự cân bằng bị mất đi, những điều bất công xảy đến và trong thế giới lao động, khi đột nhiên sự bất công bị đan xen vào công việc, đó là lúc mà tôi đáng sợ. Tôi nghĩ rằng chẳng ai muốn trở thành một công cụ cho bất cứ ai, nhưng thực tế là nhiều người vô tình trở thành công cụ cho người khác”.  Khi quay tại nhiều xưởng may khác nhau, phim tài liệu “Thanh xuân” không thể không tránh khỏi những cảnh trùng lặp. Tại một số rạp tại Cannes, một số người đã không thể nhẫn nại xem đến cùng, rời khỏi phòng chiếu trước khi phim kết thúc.  “Thanh xuân” là một trong hai phim tài liệu của Vương Bính được trình chiếu tại Cannes năm nay. Phim thứ hai, “Man in Black”, được giới thiệu trong suất chiếu đặc biệt kể về câu chuyện của nhà soạn nhạc Trung Quốc 86 tuổi Wang Xilin, sống tị nạn ở nước ngoài với nỗi ám ảnh về quá khứ. Bộ phim lột tả một người đàn ông mà cả thể xác và tâm hồn bị nhấn chìm trong bóng đen đau thương của quá khứ. Người nghệ sĩ, đã từng bị ngược đãi, giam cầm, phải trải qua các cuộc tra tấn tàn khốc trong cuộc Cách mạng văn hoá ở Trung Quốc, nêu lại những sự kiện khủng khiếp, ám ảnh cả cuộc đời ông, là nhân chứng cho một giai đoạn lịch sử Trung Hoa.  Sinh năm 1967, tại Thiên Tân, Trung Quốc, Vương Bính bắt đầu dấn thân vào điện ảnh từ đầu những năm 2000, tập trung chủ yếu vào thể loại phim tài liệu và thường có độ dài không khiêm tốn. Ông đã giành được giải Khinh Khí Cầu Vàng qua phim “Ba chị em tỉnh Vân Nam” tại Liên hoan phim Ba Lục Địa vào năm 2012. Gần dây nhất phim “Mrs Fang” của ông đã giành được giải Con Báo Vàng (Léopard d’or) tại Liên hoan phim Locarno. Vẫn về chủ đề tuổi trẻ, “The Breaking Ice », một bộ phim Trung Quốc khác được giới thiệu tại Liên hoan Cannes trong hạng mục Nhãn Quan Độc Đáo, do đạo diễn Anthony Chen thực hiện. Nếu như tuổi thanh xuân trong phim tài liệu của Vương Bính là những năm tháng kiệt quệ bên những chiếc máy khâu cùng mối lo cơm áo gạo tiền, thì tuổi thanh xuân mà đạo diễn Anthony Chen khai thác lại lạc lõng, mất phương hướng, khắc khoải đi tìm mục đích sống. Từ cuộc gặp tình cờ của 3 nhân vật chính vào mùa đông lạnh giá tại Diên Cát (Yanji), thành phố phía bắc Trung Quốc, giáp ranh với Bắc Triều Tiên và Nga, một tình yêu chớm nở và sợi dây phức tạp gắn kết 3 con người cô đơn, ba thế giới, ba nỗi buồn sâu thẳm, không ai chia sẻ với ai.   Tuổi trẻ của họ, với những bí mật cùng những nỗi đau riêng, như bị mắc kẹt trong những phiến băng lạnh giá, như chờ đợi ánh nắng mặt trời để tan vào dòng nước không phương hướng. Những đêm say xỉn, những trò thách đố dại dột, chẳng ai biết tương lai sẽ đến đâu, ý nghĩa cuộc sống là gì, mỗi nhân vật khi đối diện với bản thân dường như đều có ý định kết thúc sinh mệnh.  Trả lời RFI về bộ phim, đạo diễn Anthony Chen cho biết làm một bộ phim về tuổi trẻ là một thử thách mà ông tự tạo ra cho bản thân. Ông nói : “Tôi đã đọc rất nhiều các bài báo về giới trẻ ở Trung Quốc, đó là một thế hệ lạc lõng, trong trạng thái khủng hoảng tìm kiếm chỗ đứng riêng trong thế giới này, tôi đã bị ám ảnh ảnh về điều đó. Bộ phim mà tôi làm là 3 người trẻ, xa lạ, đến từ 3 nơi khác nhau, chỉ trong vài ngày họ đã tạo dựng một mối quan hệ, nhưng đó là kiểu quan hệ chóng vánh chỉ kết thúc trong vài ngày và họ phải quay trở lại với cuộc sống của họ. Tôi muốn quay bộ phim về tuổi trẻ này vào mùa đông, bởi vì khi đông đến, người ta thường nghĩ đến tuyết nhưng tôi lại nghĩ đến băng, tôi nghĩ đến cảm giác khi nước đông thành băng nhanh chóng khi được đặt vào tủ đông chỉ vài giờ, nhưng chỉ cần ta cho chút nắng, hay tăng nhiệt độ thì viên băng đó lại tan chảy thành nước. Tôi thấy rất ấn tượng với điều này, có vẻ nó hơi trừu tượng, nhưng tôi muốn dùng ý tưởng này để mô tả mối quan hệ đó.” Anthony Chen là người gốc Hoa, sinh tại Singapore, nhưng hiện đang sinh sống tại Anh Quốc. Cách nay đúng 10 năm, ông đã đoạt giải “Ống kính vàng” với bộ phim Ilo Ilo (2013). “The Breaking Ice », là bộ phim đầu tiên mà ông thực hiện tại Hoa Lục. 
    27/05/2023
  • Hai thượng đỉnh Hiroshima và Tây An: ‘‘Nam Bán Cầu’’ vào trung tâm bàn cờ quốc tế
    Thời sự quốc tế tuần này nổi bật với hai thượng đỉnh, một do Trung Quốc chủ trì, một do Nhật Bản. Hai địa điểm được chọn nói lên nhiều điều. Cố đô Tây An (Xi’an), Trung Quốc, đầu mút Con đường Tơ lụa thời cổ đại nối liền châu Âu và vùng Viễn Đông, với khát vọng kinh tế tiếp tục thịnh vượng. Thành phố Hiroshima, Nhật Bản, nạn nhân đầu tiên của bom nguyên tử trong Thế chiến II, với ám ảnh về nguy cơ chiến tranh hủy diệt…Một sự kiện đáng chú ý khác là chuyến công du dài ngày tại châu Âu của đặc sứ Trung Quốc về Ukraina, khởi đầu với điểm đến Kiev. Chuyến đi được Bắc Kinh quảng bá như một nỗ lực thúc đẩy vì ‘‘hòa bình’’ cho Ukraina diễn ra trong bối cảnh Kiev vận động đồng minh tăng cường cung cấp phương tiện quân sự giúp Ukraina đánh bật quân Nga ra khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này. ***Thượng đỉnh với Trung Á: Trung Quốc đánh bật hay ‘‘giúp’’ Nga ?Đối với nhiều nhà quan sát, cuộc thượng đỉnh đầu tiên với khối các quốc gia Trung Á không có sự tham dự của Nga, vốn được coi là quốc gia đàn anh, người bảo trợ, là một bước ngoặt lịch sử, một điều bất thường. Nhà nghiên cứu Thụy Điển Stefan Hedlund chuyên về các xã hội hậu Liên Xô (Viện Institute for Russian and Eurasian Studies) ghi nhận việc lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình mời dàn lãnh đạo Trung Á, ngay sau chuyến công du Nga trở về, là một hành động ‘‘sỉ nhục’’ đối với lãnh đạo Nga. Nhiều người nói đến việc Trung Quốc tranh thủ thời cơ Matxcơva sa lầy tại Ukraina, để hất cẳng Nga ra khỏi khu vực. Trên Euronews, chuyên gia Thụy Điển Stefan Hedlund nhận định: ‘‘Đây là lần đầu tiên Nga bị loại, trong lúc Nga duy trì thế độc quyền tại khu vực Trung Á trong nhiều thập niên, thậm chí từ hai thế kỷ nay. Điều này diễn ra trong lúc tình hữu nghị với Nga trong khu vực bị mất. Trung Quốc lợi dụng cơ hội này để, đến lượt mình, trở thành thế lực độc quyền….(…) chính sách xoay trục sang châu Á của Nga đã chấm dứt. Chính sách vốn được Vladimir Putin đưa ra tại cuộc họp APEC ở Vladivostok năm 2012, khi ông ta nói rằng mục đích của việc này là để các cánh buồm của nền kinh tế Nga đón gió Trung Quốc. Bây giờ, tôi muốn nói rằng nền kinh tế Nga là một chiếc tàu bị mất buồm và đang trôi dạt trên biển. Còn người Trung Quốc thì không ban ơn’’. Đọc thêm : Trung Quốc có chiến lược như thế nào với Trung Á?Trung Quốc đẩy bật Nga ra khỏi khu vực ? Hay Bắc Kinh chỉ tranh thủ tình thế để lấp vào khoảng trống mà Nga để lại tại khu vực và hành động này về mặt nào đó cũng có lợi cho chính điện Kremlin, vốn đang phải dồn sức cho mặt trận quân sự, đối đầu với phương Tây tại Ukraina ? Ít ngày trước thượng đỉnh Trung Quốc – Tây Á tại Tây An, chính quyền Nga cũng quyết định mở cửa cảng biển chiến lược Vladivostok, nhìn ra Thái Bình Dương, cho phép hàng hóa Trung Quốc từ các tỉnh đông bắc đi qua, 163 năm sau khi Nga nắm quyền kiểm soát cảng biển này (sau một thỏa ước với nhà Thanh). Phải chăng gió Trung Quốc đang thổi bạt gió Nga ngay chính trên đất Nga ?Đối với nhà nghiên cứu Pháp Didier Chaudet (Institut français d’études sur l’Asie centrale - Ifeac), chuyên về Trung Á, thượng đỉnh đầu tiên với các nước trong vùng ảnh hưởng của Nga nên được nhìn nhận như sự tiếp nối của cả một tiến trình đầu tư bền bỉ liên tục của Trung Quốc, hơn là một bước ngoặt: ‘‘Trên thực tế, Trung Quốc tìm cách củng cố những gì đã được xây dựng trong suốt quá trình vừa qua. Chắc chắn là, về mặt lịch sử, các nước Trung Á có quan hệ mật thiết với Nga, các quan hệ vẫn còn đó, chưa phải đã hoàn toàn mất đi, nhưng giờ đây, tác nhân kinh tế chủ yếu tại Trung Á là Trung Quốc. Đối với các nước Trung Á, quốc gia đáng quan tâm nhất về mặt kinh tế, về địa chính trị, và kể cả an ninh, giờ đây có thể nói là Trung Quốc. Trung Quốc không có vấn đề biên giới đặc biệt với các nước Trung Á…. Về mặt này, đối với Trung Á, Trung Quốc mang lại sự bảo đảm hơn là Nga. Và Trung Quốc cũng mang lại nhiều hơn về mặt tài chính. (….) Ta thấy là Trung Quốc đầu tư nhiều vào Trung Á, kể cả đầu tư về mặt biểu tượng. Lần đầu tiên ta thấy chủ tịch Trung Quốc ra nước ngoài sau giai đoạn Covid là đến Kazakhstan, sau đó là tới Uzebekistan, để tham dự thượng đỉnh các lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Thực sự có một chủ trương coi khu vực này như một khu vực đặc biệt quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Chúng ta đã hoàn toàn ra khỏi giai đoạn mà Trung Á được nhìn nhận chỉ như là một khu vực hậu Liên Xô’’.‘‘Tây An’’ cạnh tranh với ‘‘Hiroshima’’: Thông điệp kép của Bắc KinhThành phố lịch sử Tây An từng là một biểu tượng cho ước mơ về giao thương hòa bình trên lục địa Á - Âu. Khi chọn Tây An làm địa điểm tổ chức thượng đỉnh đầu tiên với 5 quốc gia Trung Á Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tadjikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, chính quyền Bắc Kinh bắn đi tới khu vực, và thậm chí đến toàn thế giới, một thông điệp mang tính biểu tượng: Sự trỗi dậy của Trung Quốc là một sự trỗi dậy hòa bình, vì thịnh vượng chung. Thượng đỉnh với các nước Trung Á tại Tây An, diễn ra từ ngày 18 đến ngày 19/05, mang một thông điệp kép từ Bắc Kinh. Thông điệp quyến rũ hướng tới các nước đang trỗi dậy, các nước đang phát triển, thường được gọi chung là các nước ‘‘Nam Bán Cầu’’. Cùng lúc đó là thông điệp lên án, hướng đến khối các nước giàu, cũng đang nhóm họp trong gần như cùng thời gian (từ 19 đến 21/05), với thượng đỉnh G7 của bảy cường quốc công nghiệp. Lướt qua một số tiêu đề trên Hoàn Cầu Thời Báo, một ấn bản chính của đảng Cộng Sản Trung Quốc, có thể thấy toát lên rõ ràng thông điệp kép nói trên: ‘‘Tây An bơm dòng nước sạch (hợp tác) đa phương, Hiroshima phun luồng nước bẩn chính trị (thù địch)” (bài xã luận ngày 18/05), ‘‘Khác với câu lạc bộ của giới thượng lưu G7, thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á đoàn kết, củng cố một thế giới đa dạng’’ (nhận định của một giáo sư người Nga tại Học viện quản trị kinh tế vùng Sibêri ở Novosibirsk) hay ‘‘Trung Quốc, Trung Á nắm tay như những đối tác thực sự cùng chí hướng’’ (bài xã luận ngày 20/05). Đọc thêm : Kế hoạch hòa bình cho Ukraina : Thực tế và những ý đồ của Trung QuốcRõ ràng, khi tổ chức thượng đỉnh lần đầu tiên với các nước Trung Á, cái đích trước hết của Trung Quốc không phải nhắm vào Nga, mà là phương Tây. Mục tiêu là để khẳng định một tầm nhìn toàn cầu đối nghịch với phương Tây. Trung – Nga siết chặt hợp tác, để đưa thế giới vào ‘‘một kỉ nguyên mới’’ hậu phương Tây, cũng chính là điều mà tổng thống Nga Putin chia sẻ với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong tuyên bố chung về ‘‘tình hữu nghị không giới hạn’’ Trung – Nga, được đưa ra ít tuần trước cuộc xâm lăng Ukraina của Nga (thông điệp khiến không ít người cho rằng chính Bắc Kinh đã để ngỏ khả năng ủng hộ Matxcơva, trước chiến dịch quân sự, đánh dấu chấm hết cho giai đoạn hơn 30 năm tương đổi ổn định thời hậu Chiến tranh Lạnh). Thông điệp kép, quyến rũ Nam Bán Cầu - đả kích phương Tây nói trên, của thượng đỉnh Tây An ắt hẳn không xa lạ gì với những gì mà điện Kremlin mong muốn.Đối phó với Trung – Nga, G7 tìm hậu thuẫn của ‘‘Nam Bán Cầu’’Thượng đỉnh khối G7, do Nhật Bản nước chủ tịch luân phiên tổ chức, có mục tiêu trước hết là gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga và thống nhất về các đối phó với Trung Quốc. Một nội dung khác có tầm quan trọng không kém, đặc biệt về mặt dài hạn, nhưng ít được chú ý hơn. Đó là nỗ lực vận động các nước Nam Bán Cầu chung tay củng cố ‘‘trật tự thế giới, đang bị rung chuyển’’ bởi cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. Nhân loại đang đứng trước ‘‘một bước ngoặt lịch sử’’ là khẳng định thủ tướng Nhật Fumio Kishida trong một phát biểu trước báo giới hôm 15/05, ít ngày trước cuộc thượng đỉnh G7. ‘‘Bước ngoặt lịch sử’’ đòi hỏi các hành động có tầm vóc lịch sử. ‘‘Đoàn kết thống nhất’’ của cộng đồng quốc tế, với sự tham gia của ‘‘Nam Bán Cầu’’, là chìa khóa giúp cho việc chấm dứt cuộc xâm lăng của Nga sớm nhất có thể. Trên đây là phát biểu của thủ tướng Nhật trong chuyến công du New Delhi hồi tháng 3, cũng trong dịp này lãnh đạo Nhật Bản chuyển đến thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lời mời tham dự thượng đỉnh G7 ở Hiroshiam. Ấn Độ không chỉ là quốc gia đông dân Nam Bán Cầu, và là nền kinh tế thứ 5 thế giới, mà cũng là chủ tịch luân phiên khối G20 năm nay. Cho đến nay, Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong các nghị quyết lên án Nga xâm lược, và không tham gia vào các trừng phạt của phương Tây chống Nga. Tiếng nói của Ấn Độ có ý nghĩa lớn. Ngoài Ấn Độ, có 5 quốc gia đang phát triển khác, đại diện cho các tiếng nói của Nam Bán Cầu tham dự thượng đỉnh G7 mở rộng. Đó là Indonesia - chủ tịch khối Đông Nam Á, quần đảo Comoros - chủ tịch Liên Hiệp Châu Phi, quần đảo Cook Islands - chủ tịch Diễn đàn các đảo quốc Thái Bình Dương, Brazil – nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, thành viên khối 5 cường quốc trỗi dậy BRICS, và Việt Nam - quốc gia có quan hệ thương mại mật thiết với Trung Quốc, nhưng cũng là nước có nhiều tranh chấp trên biển với Bắc Kinh. Đọc thêm : Phương Tây cần phối hợp với “Nam Bán Cầu” xây dựng ‘‘trật tự thế giới mới’’Trả lời RFI, nhà nghiên cứu Pháp Didier Chaudet tóm lược tầm quan trọng của các nước Nam Bán Cầu trong thượng đỉnh G7 lần này tại Hiroshima: ‘‘Hội nghị G7 cho thấy rõ là Trung Quốc được nhìn nhận như một đối thủ cạnh tranh, mà phương Tây cần phải tìm được cách đối phó. Nếu chúng ta nhìn sâu đằng sau những chuyện này, có thể thấy những cạnh tranh rất mạnh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và mỗi quốc gia được kêu gọi chọn phe. Phe phương Tây thì đã được xây dựng một cách rõ ràng. Tuy nhiên, một số quốc gia tầm trung - có ảnh hưởng lớn tại khu vực, cho dù không có ảnh hưởng đến mức như vậy ở tầm quốc tế -  đang được kêu gọi tham gia. Thượng đỉnh của G7 có mục tiêu đưa ra một loạt các đề xuất với nhóm các quốc gia này’’. Thủ tướng Ấn Độ và đồng nhiệm Nhật Bản có cuộc hội kiến bên lề thượng đỉnh G7 hôm nay, ngày thứ hai của thượng đỉnh, theo báo chí Ấn Độ. Lãnh đạo hai bên thảo luận về việc phối hợp các hoạt động của G20 và G7 mà Ấn Độ và Nhật Bản là chủ tịch luân phiên. Lãnh đạo Ấn Độ nhấn mạnh đến các ưu tiên của Nam Bán Cầu: ‘‘biến đổi khí hậu, gián đoạn chuỗi cung ứng, phục hồi kinh tế, bất ổn về năng lượng, y tế, an ninh lương thực, hòa bình và an ninh’’.Liệu G7 có đáp ứng được đòi hỏi và trông đợi của Nam Bán Cầu trong tình hình khẩn cấp hiện nay, từ môi trường khí hậu, cho đến kinh tế, lương thực… ? Các đáp ứng của G7, nếu dưới tầm mức, sẽ ảnh hưởng ra sao đến tiếng nói của các nước phía Nam đối với cuộc chiến tranh tại Ukraina ? Đặc sứ Trung Quốc ‘‘vì hòa bình’’: Món quà tẩm độc với phương Tây ? Sự kiện thời sự không thể không nói đến là vòng công du châu Âu của đặc sứ Trung Quốc Lý Huy (Li Hui), khởi đầu từ ngày 16/05, có thể khép lại vào cuối tháng này. Đây là lần đầu tiên, kể từ khi Matxcơva mở màn cuộc xâm lăng, Trung Quốc chính thức nhập cuộc trong nỗ lực tìm hòa bình cho Ukraina. Nếu như vòng công du châu Âu của đặc sứ Trung Quốc có thể gây một số kỳ vọng, thì đối với nhiều chuyên gia, chuyến đi này không thể mang lại gì cho hòa bình với Ukraina. Trả lời báo Pháp L’Express, nhà chính trị học chuyên về Trung Quốc Antoine Bondaz, Fondation pour la recherche stratégique (FRS) khẳng định: ‘‘Bắc Kinh không hề có ý định trở thành bên trung gian’’, Trung Quốc ‘‘đã không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã thay đổi lập trường, và xem xét lại sự ủng hộ đối với Nga’’. Trả lời RFI, nhà địa chính trị học Emmanuel Véron, chuyên gia về Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông – INALCO lưu ý thêm đến dụng ý của Bắc Kinh dùng chuyến công du này để gây phân hóa sâu sắc nội bộ các nước phương Tây, làm sói mòn mặt trận chung hậu thuẫn Ukraina: ‘‘Chúng ta biết là Trung Quốc tìm cách đóng một vai trò quan trọng trong hồ sơ xung đột Ukraina từ vài tuần, vài tháng nay. Chủ đề thứ hai là Bắc Kinh tìm cách trở thành một tác nhân trong việc tái thiết Ukraina, và thông qua việc này, đóng một vai trò lớn về mặt an ninh và ngoại giao, cụ thể là tại lục địa châu Âu, và dĩ nhiên là thúc đẩy các quan hệ thương mại song phương với Ukraina. Chúng ta có một cuộc chơi đa chiều như vậy. Trung Quốc trên thực tế cạnh tranh với châu Âu, với Hoa Kỳ về hồ sơ Ukraina, về vấn đề lãnh thổ Ukraina. Nhìn chung, Trung Quốc tránh đối thoại với Anh, tránh đối thoại với Mỹ. Chúng ta thấy rõ ràng là, chuyến công du tới nhiều quốc gia châu Âu này, khởi đầu là Ukraina, là một đòn bẩy ngoại giao thực sự chống lại Mỹ, cố gắng chia rẽ phương Tây một cách triệt để về hồ sơ Ukraina, và về cuộc chiến tranh tại Ukraina’’. Vận động vũ khí, vận động hòa bìnhChính quyền Ukraina phản ứng ra sao trước hành xử nói trên của Trung Quốc ? Kiev khẳng định không đánh đổi lãnh thổ lấy hòa bình. Ngay trước khi đoàn của đặc sứ Trung Quốc đến Kiev, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã có vòng công du 4 nước châu Âu, Ý, Đức, Pháp và Anh, để thúc đẩy việc cung cấp vũ khí. Theo giới quan sát, một số ‘‘húy kỵ’’ về vũ khí liên quan đến Ukraina cũng đã được phá bỏ trong dịp này. Đã bắt đầu hình thành một liên minh các quốc gia đồng minh hỗ trợ phi cơ chiến đấu cho Ukraina. Ukraina sẵn sàng tiếp tục cuộc kháng chiến chống xâm lược Nga, đồng thời tiếp tục cùng các đồng minh tìm kiếm các hậu thuẫn lớn hơn về ngoại giao, nhằm gây áp lực nhiều hơn với Matxcơva. Sự ủng hộ của các quốc gia Nam Bán Cầu là không thể thiếu. Tổng thống Zelensky đến thượng đỉnh G7 tại Hiroshima hôm nay. Lãnh đạo Ukraina có kế hoạch gặp thủ tướng Ấn Độ và tổng thống Brazil, hai quốc gia vẫn giữ thái độ ‘‘trung lập’’ về cuộc chiến Nga đánh Ukraina. Tại thượng đỉnh G7 lần này, với các nỗ lực của G7 đặc biệt từ phía Nhật Bản, liệu quan hệ giữa khối phương Tây với ‘‘Nam Bán Cầu’’ có đủ cải thiện, để cơ hội hòa bình mở rộng với Ukraina ?
    20/05/2023
  • Ukraina đoạn tuyệt với truyền thống, văn hóa Liên Xô và Nga
    Ukraina đoạn tuyệt với truyền thống, văn hóa Liên Xô và Nga khi quyết định tổ chức Ngày Chiến thắng phát xít Đức 08/05 với các nước châu Âu ; Pháp kiến nghị Liên Hiệp Châu Âu liệt Wagner là « tổ chức khủng bố » vì tham chiến ở Ukraina để khiến tập đoàn bán quân sự Nga « sống dở chết dở ». Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức bầu cử tổng thống và Quốc Hội, lập trường của các ứng viên về người Duy Ngô Nhĩ trong mối quan hệ với Trung Quốc ; Tròn 5 năm Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Vienna để gây sức ép với Iran : Quyết định của tổng thống Donald Trump lại gây phản tác dụng. Trên đây là chủ đề của Tạp chí Thế giới đó đây tuần này.Ukraina đoạn tuyệt với truyền thống, văn hóa Liên Xô và NgaSau khi quyết định đón Giáng Sinh ngày 25/12 thay vì ngày 07/01 theo Chính thống giáo, Ukraina lại tiến thêm một bước rời xa quỹ đạo Nga khi tổ chức « Ngày Tưởng niệm và Chiến thắng phát xít » 08/05 thay vì vào ngày 09/05 như ở Nga. Khi thông báo trình dự luật này lên Quốc Hội, tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định muốn kỉ niệm chung ngày với « thế giới tự do ». Tổng thống Ukraina giải thích trên mạng Twitter : « Chính vào ngày 08/05 mà hầu hết các nước trên thế giới nhớ đến quy mô và chiến thắng phát xít », « Chính vào ngày 08/05 mà thế giới tưởng nhớ những người đã bỏ lại cuộc sống trong chiến tranh. Đó là lịch sử thuần túy, không pha trộn ý thức hệ. Và đó là lịch sử của nhân dân chúng ta, của các đồng minh chúng ta, của thế giới tự do ». Trả lời đài RFI ngày 08/05, giáo sư sử học Nga và Liên Xô Andreï Kozovoï, Đại học Lille, cho rằng tổng thống Ukraina tỏ rõ ý muốn rũ bỏ mọi liên hệ, ràng buộc với Matxcơva : « Ukraina làm mọi cách để cắt đứt mọi liên hệ lịch sử, văn hóa… với Nga. Vấn đề cần biết là mối quan hệ thực sự kết nối Ukraina với Nga là gì ? Ukraina có phải là một nước riêng biệt hay không ? Đó là điều mà Nga từ chối chấp nhận. Vấn đề này là chủ đề của rất nhiều cuộc tranh luận về lịch sử. Cho nên hoàn toàn hợp lý khi Ukraina quyết định chính thức kỉ niệm Ngày Chiến thắng 08/05 thay vì ngày 09/05 làm liên tưởng đến tư tưởng Stalin và Putin ». Tại sao Nga lại chọn 09/05 là « Ngày Chiến thắng », một ngày sau các nước phương Tây ? Giáo sư Andreï Kozovoï giải thích :« Lý do vừa mang tính kỹ thuật vừa thể hiện tư tưởng. Về nguyên tắc, phát xít Đức ký đầu hàng tại Berlin sau 23 giờ, đêm 08/05/1945. Vì lệch giờ, ở Matxcơva đã sang ngày 09/05. Vì thế, Nga có quyền kỉ niệm sự kiện phát xít Đức đầu hàng vào ngày 09/05 nhưng không có gì ngăn cản Stalin vào thời đó cân nhắc rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu ăn mừng chiến thắng với tất cả các đồng minh khác. Tuy nhiên, ngay từ đầu, ông đã chủ ý chọn ăn mừng chiến thắng riêng vì các lý do ý thức hệ, bởi vì ông ấy muốn đánh dấu khoảng cách với các đồng minh phương Tây, để nói với họ theo kiểu là người Nga, người Liên Xô chúng tôi là những kiến ​​​​trúc sư chính của chiến thắng này, cho nên chúng tôi được quyền có một Ngày Chiến thắng riêng ».Quốc Hội Pháp muốn Wagner bị liệt là « khủng bố » và « sống dở chết dở » Trên chiến trường, lực lượng bán quân sự Wagner đóng vai trò chủ chốt cho Nga ở mặt trận miền đông Ukraina, đặc biệt là ở Bakhmut, nơi bị gọi là « cối xay thịt » và hàng ngày Wagner cũng mất đến « vài trăm người », theo chính phát biểu của ông chủ tập đoàn bán quân sự Yvegueni Progozhin.Wagner đang bị bỏ rơi ở Bakhmut ? Căng thẳng giữa tập đoàn bán quân sự và quân đội Nga ngày càng lộ rõ. Yvegueni Progozhin không tiếc lời thóa mạ bộ chỉ huy Nga nuốt lời hứa cấp đạn dược, mà đỉnh điểm là dọa rút khỏi Bakhmut, tố cáo lính chính quy bỏ trốn và gọi một trong số các nhà đưa ra quyết định của Nga là « lão ngu ». Ngoài lục đục nội bộ, tập đoàn bán quân sự Wagner chuẩn bị đối phó với một đe dọa khác. Ngày 09/05, Hạ Viện Pháp thông qua đề xuất liệt Wagner vào danh sách các « tổ chức khủng bố » của Liên Hiệp Châu Âu. Dân biểu của đảng Renaissance (Phục Hưng) Benjamin Haddad đưa ra đề xuất, kiêm chủ tịch Ủy ban Hữu nghị Pháp-Ukraina, giải thích trên đài RFI ngày 09/05 :« Đúng, rõ ràng là có một thông điệp chính trị được gửi đi. Ý muốn nói, đối mặt với chúng ta không còn là những kẻ đánh thuê kiếm sống mà là một tổ chức khủng bố giết người, hăm dọa và hành quyết, tàn sát dân thường để đạt mục đích chính trị. Có nghĩa là những người này giúp tăng cường cuộc tấn công Nga vào các nền dân chủ trên mọi châu lục, hiện giờ là ở Ukraina, cũng như ở châu Phi, Trung Đông, phục vụ cho chế độ chuyên quyền ». Ngoài thông điệp chính trị, còn có mục đích nào khác ? Ông giải thích :« Ngoài thông điệp chính trị, liệt Wagner vào danh sách các tổ chức khủng bố của Liên Hiệp Châu Âu còn nhằm tăng cường đáng kể các biện pháp pháp lý, cảnh sát, tài chính trong cuộc chiến nhắm vào Wagner. Nếu anh nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố hoặc các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, thì hoàn toàn không thể làm việc được với anh, dù đó có là doanh nghiệp, ngân hàng. Chế độ trừng phạt này đã được Hoa Kỳ tiến hành và chúng ta có thể tham khảo. Tất cả các thành viên của tổ chức Wagner, những người muốn gia nhập hay tham gia các chiến dịch của Wagner sẽ bị coi là khủng bố. Theo thẩm định, Wagner có hơn 50.000 thành viên hoạt động ở Ukraina và trên nhiều chiến trường khác. Thế nhưng, hiện giờ mới chỉ có khoảng 10 người trong số này bị Liên Hiệp Châu Âu trừng phạt. Cho nên mục tiêu đề ra là tăng cường các phương tiện của châu Âu để Wagner và các đồng minh của họ không sống nổi ». Bầu cử tại Thổ Nhĩ Kỳ và tác động đến chính sách đối ngoạiThổ Nhĩ Kỳ, một thành viên NATO nhưng giữ quan hệ mật thiết với Nga, tổ chức bầu cử tổng thống và Quốc Hội ngày 14/05/2023. Tổng thống mãn nhiệm Recep Tayyip Erdogan tái tranh cử nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức : lạm phát tăng hơn 50% theo số liệu chính thức tháng 04/2023, tỉ lệ thất nghiệp hơn 20%, nạn tham nhũng, khủng hoảng niềm tin, nhất là sau trận động đất khiến hơn 50.000 người chết vào tháng 02/2023. Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống sẽ tác động đến chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi hiện nay chính quyền tổng thống Erdogan tìm cách giữ vai trò trung gian hòa giải giữa Matxcơva và Kiev. Theo bài phân tích trên diễn đàn của Viện tư vấn Atlantic Council hôm 08/05 của một nhóm chuyên gia Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành nước trung gian để Trung Quốc xuất khẩu linh kiện bán dẫn sang Nga giúp Matxcơva tiếp tục chiến tranh ở Ukraina. Để tránh làm mất lòng Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng, chính quyền Ankara đã không lên tiếng về tình trạng cộng đồng thiểu số Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ bị truy bức, tẩy não ở Tân Cương, buộc nhiều người phải tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống mãn nhiệm Erdogan và đối thủ chính Kemal Kiliçdaroglu, thuộc đảng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại do Atatürk sáng lập, có lập trường như nào về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ trong mối quan hệ giữa Ankara và Bắc Kinh ? Giáo sư Erkin Ekrem, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Duy Ngô Nhĩ, Đại học Hacettepe tại Ankara, phân tích với RFI : « Nhìn chung, Thổ Nhĩ Kỳ cần các nguồn đầu tư và công nghệ cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù là đảng cầm quyền hay đối lập thì Trung Quốc là nước có thể mang lại cho họ cả hai yếu tố đó. Và tất các các đảng phái chính trị ở Thổ Nhĩ Kỳ đều ủng hộ phát triển quan hệ với Trung Quốc và ủng hộ dự án còn đường tơ lụa mới của Trung Quốc. Nhưng dù sao cũng có một chút khác biệt giữa chính phủ và phe đối lập : Nếu như đảng cầm quyền có xu hướng bỏ qua vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ để không làm phật lòng Trung Quốc thì phe đối lập lại thấy ngược lại, họ cho là phải nêu vấn đề của người Duy Ngô Nhĩ để đi đến được một giải pháp sẽ giúp tăng cường mối quan hệ giữa hai nước ». 5 năm Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Vienna : Quyết định phản tác dụngChiến tranh tại Ukraina làm đảo lộn bàn cờ thế giới. Bị phương Tây trừng phạt, Nga đang tăng tốc liên kết với các nước « bất mãn » với phương Tây khác để hình thành một trục mới đối trọng. Ngoài Nga, « Tam giác chiến lược » còn có Trung Quốc, đối thủ của Mỹ và là « đối thủ có hệ thống » của Liên Hiệp Châu Âu cùng với Iran, nước Cộng Hòa Hồi Giáo bị cô lập và bị trừng phạt vì tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân. Một trong số những nguyên nhân giải thích « thái độ bất mãn » của Teheran là tổng thống Mỹ Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi Thỏa thuận hạt nhân Vienna ký năm 2015 nhằm gây thêm sức ép với Teheran để ngăn chế độ Hồi Giáo phát triển chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, chuyên gia về Iran Wendy Yasmine Ramadan, nhà nghiên cứu cộng tác của trung tâm CETOBac tại Paris, nhận định với RFI rằng quyết định được đưa ra cách đây 5 năm, vào ngày 08/05/2018, lại phản tác dụng. « Giả sử nếu là để gây áp lực với chế độ, thì đúng là từ năm 2017, đã xảy ra rất nhiều phong trào phản đối không ngừng và chưa từng có, đầu tiên là do nạn tham nhũng của chế độ và yếu kém trong việc điều hành đất nước. Nhưng nếu là để gây sức ép với Teheran để Iran bị hạn chế hơn trong các hoạt động nguyên tử, thì đó là thất bại hoàn toàn bởi vì hiện giờ, không những Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) không có khả năng bảo đảm chương trình hòa bình của các hoạt động hạt nhân của Iran, mà trên hết, Iran đã vượt xa những giới hạn được nêu trong thỏa thuận hạt nhân. Hiện giờ, Iran đã làm giầu uranium hơn 60% trong khi ngưỡng được ấn định trong thỏa thuận Vienna chỉ là 3,67%. Và về số lượng theo tiêu chí của AIEA, Iran đã tích đủ số lượng để sản xuất một quả bom nguyên tử. Điều này không có nghĩa là chính quyền sẽ làm. Nhưng dù sao chúng ta vẫn còn rất xa những mục tiêu bảo đảm rằng một chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân được củng cố ».
    13/05/2023
  • Trung Quốc ghi nhận ‘‘Nga xâm lược Ukraina’’: Dân mạng hào hứng, chuyên gia dè dặt
    Trung Quốc bỏ phiếu thuận một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, có nội dung ghi nhận ‘‘Nga xâm lược Ukraina’’. Mỹ chìa tay với Bắc Kinh: Nhiều tín hiệu từ Washington hối thúc Trung Quốc nối lại đối thoại song phương. Cũng bàn tay chìa ra nhưng của Pakistan với Ấn Độ nhân dịp hội nghị các ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tổ chức tại Ấn Độ. Cơ hội mang lại hy vọng giảm căng thẳng giữa hai láng giềng kình địch, hai cường quốc nguyên tử khu vực. Bắc Kinh đặt tên tiếng Hoa cho nhiều địa điểm thuộc bang đông bắc Ấn Độ Arunachal Pradesh, trước thềm các cuộc hội kiến giữa bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao hai nước. Giới trẻ Anh nhìn chung thờ ơ với lễ đăng quang của tân vương Charles đệ tam. Sách về sự cáo chung của ba chế độ độc tài ở châu Âu bán rất chạy tại Nga. ***Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2023 dường như có một số dấu hiệu hướng đến giảm căng thẳng trong quan hệ quốc tế : Mỹ liên tiếp kêu gọi Trung Quốc nối lại đối thoại. Chuyến công du Ấn Độ của ngoại trưởng Pakistan, lần đầu tiên từ 8 năm nay… Tuy nhiên thông tin được một số phương tiện truyền thông nêu bật là việc Trung Quốc ‘‘lần đầu tiên’’ thừa nhận Nga xâm lược Ukraina. Tin lan truyền mạnh trên nhiều mạng xã hội. Dân mạng nói đến thái độ ‘‘quay xe’’ của Trung Quốc, Ấn Độ, hay Việt Nam (khi tố cáo xâm lược Nga). Một số người nói đến việc gió đang xoay chiều, lần đầu tiên kể từ đầu cuộc xâm lăng, bởi nhiều người coi Bắc Kinh là đồng minh khăng khít của Matxcơva. Trung Quốc đã "quay xe", gió xoay chiều ? Cùng với 121 quốc gia khác, Trung Quốc đã bỏ phiếu thuận đối với nghị quyết A/77/L.65 của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, có nội dung khẳng định Nga xâm lăng Ukraina. Nghị quyết được thông qua ngày 26/04, cùng ngày với cuộc điện thoại giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Ukraina Volodymir Zelensky, lần đầu tiên kể từ đầu chiến tranh. Ngày 02/05, trên Twitter, lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, ông Joseph Borrell, đã hoan nghênh kết quả bỏ phiếu, với sự ủng hộ của ‘‘các đối tác quan trọng của G20 như Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Indonesia.’’ Lãnh đạo ngoại giao Liên Âu ghi nhận: nghị quyết đã coi cuộc chiến chống Ukraina là ‘‘cuộc xâm lược do Liên Bang Nga tiến hành’’ (‘‘aggression by the Russian Federation’’). Trang mạng châu Âu euronews, chuyên về thời sự quốc tế với 17 thứ tiếng, cũng nhìn nhận sự việc như một diễn biến quan trọng: ‘‘động thái nhỏ này tự nó đã thể hiện một sự phát triển đáng chú ý. Đặc biệt, Trung Quốc đã chịu áp lực mạnh mẽ từ phương Tây buộc phải công khai chỉ trích điện Kremlin vì đã phát động cuộc xâm lược’’. Trang mạng tạp chí Le Grand Continent, chuyên về chính trị quốc tế, có trụ sở tại Ecole Normal Supérieure, Paris, hoan nghênh việc ‘‘lần đầu tiên’’ tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc thừa nhận Nga xâm lược Ukraina. Nhận định lạc quan của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, và của một số phương tiện truyền thông liệu có khớp với thực tế ? Báo chí Pháp nhìn chung lặng lẽ với thông tin được nhiều người coi là gây sốc này. Một số báo địa phương tại Pháp loan tin với sự dè dặt cao độ. Trái ngược hẳn với lời lẽ hoan nghênh của lãnh đạo ngoại giao Liên Âu, Le Parisien đặt câu hỏi : Liệu có thực Trung Quốc lên án ‘‘Nga xâm lược’’ tại Liên Hiệp Quốc? Báo La Dépêche, miền nam nước Pháp, có bài: ‘‘Tin thực – tin giả : Trung Quốc có thực sự lên án Nga xâm lược?’’. Hy vọng quá gây ảo tưởngLe Parisien một mặt ghi nhận thái độ hào hứng cao độ của nhiều dân mạng về thay đổi mà họ cho là bước ngoặt, mặt khác dẫn lời một số nhà quan sát. Chuyên gia địa chính trị Ulrich Bounat nói đến hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất đây không phải là một nghị quyết riêng về cuộc xâm lược Ukraina của Nga, mà vấn đề này chỉ là một nội dung nhỏ trong văn bản chung nhằm thúc đẩy quan hệ Liên Hiệp Quốc và Hội Đồng Toàn Châu Âu (Council of Europe). Điều thứ hai là có đến hai cuộc bỏ phiếu liên quan đến nghị quyết A/77/L.65. Cuộc bỏ phiếu thứ nhất về việc có nên đưa nội dung liên quan đến cuộc xâm lược vào văn bản hay không. Cuộc bỏ phiếu thứ hai liên quan đến toàn văn bản. Trung Quốc đã bỏ phiếu bác việc đưa nội dung này vào nghị quyết. Nhưng nội dung vẫn được đưa vào, vì phe bác là thiểu số. Tóm lại, theo Ulrich Bounat, lập trường của Bắc Kinh đã hoàn toàn không thay đổi : Trung Quốc vẫn duy trì thái độ gọi là ‘‘trung lập’’, nhưng là trung lập thân Nga. Chuyên gia về Trung Quốc Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến  lược (Fondation pour la recherche stratégique) cũng ghi nhận lập trường hoàn toàn không thay đổi của Trung Quốc, đồng thời nêu bật lý do khiến nhiều người bị lầm tưởng. Đó là họ nhìn nhận về thái độ của Trung Quốc ‘‘thông qua niềm hy vọng mà họ trông đợi ở Bắc Kinh’’. Hy vọng quá mức gây mất cảnh giác. Bắc Kinh ngày càng khó đi dây hơnBáo mạng Hồng Kông South China Morning Post có lẽ là phương tiện truyền thông hiếm hoi nêu bật việc, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc thể hiện lập trường này. South China Morning Post dẫn lại phát biểu của phái bộ Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu, cho biết Bắc Kinh đã từng có hành động tương tự đối với một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc thúc đẩy hợp tác với các nước Trung Âu, thông qua ngày 21/11/2022 (trang tin về Trung Quốc bỏ phiếu nghị quyết hợp tác LHQ với Sáng kiến Trung Âu A/77/L.19). Trong văn bản này, cũng có một đoạn ghi nhận Nga xâm lược Ukraina, và Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu trắng về đoạn văn này. Chuyên gia về Nga Li Lifan, Viện Hàn Lâm khoa học ở Thượng Hải, giải thích thêm là với cách hành xử đi dây này, Trung Quốc được lòng cả hai bên. Nga cũng không có phản ứng tiêu cực gì, và phía châu Âu cũng khó lòng lên án Trung Quốc. Dù sao, nói đi cũng phải nói lại : Việc Trung Quốc lần thứ hai ghi nhận thái độ của các nước châu Âu lên án cuộc xâm lược Ukraina của Nga, và cuộc điện thoại đầu tiên giữa chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Ukraina cũng cho thấy sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế ủng hộ Ukraina, với hạt nhân là phương Tây, là châu Âu, và cuộc kháng chiến ngoan cường của người Ukraina, có thể đã là một áp lực buộc Trung Quốc phải nhập cuộc. Việc Bắc Kinh bỏ phiếu thuận cho hai nghị quyết có nội dung lên án Nga ít nhiều đã là một thay đổi đáng chú ý từ phía Trung Quốc (ngay cả khi có bỏ phiếu trắng trước đó về nội dung liên quan). Hành xử đi dây như trong giai đoạn đầu chiến tranh ngày càng khó hơn. Thay đổi đã bắt đầu từ mùa thu năm ngoái.   Mỹ thúc giục Trung Quốc nối lại đối thoại Hơn 2 tháng kể từ sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ tại Mỹ, quan hệ Washington và Bắc Kinh vẫn trong giai đoạn đóng băng. Những ngày gần đây, giới ngoại giao Mỹ liên tục bắn tín hiệu thúc đẩy Trung Quốc nối lại đối thoại. Theo truyền thông Hoa Kỳ, hôm thứ Ba 03/05 vừa qua, đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns cho biết Hoa Kỳ sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao với Trung Quốc. Theo đại sứ Mỹ, Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh và tin rằng nhiều cuộc đối thoại hơn sẽ giúp cải thiện quan hệ. Phát biểu nói trên được đưa ra trong một hội nghị trực tuyến do Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn độc lập ở Washington tổ chức. Theo báo NBC News, đây là ‘‘dấu hiệu rõ nhất cho thấy chính quyền Biden muốn nối lại quan hệ với Trung Quốc, bất chấp căng thẳng’’. Trước phát biểu hôm 03/05, hôm 20/04, đại sứ Mỹ có buổi gặp với ông Lưu Kiến Siêu (Liu Jianchao), trưởng ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân vật thứ ba của ngành ngoại giao Trung Quốc. Cuộc gặp này này đánh dấu tiếp xúc ở cấp cao nhất giữa các quan chức Trung Quốc và Mỹ kể từ sự cố ‘‘khinh khí cầu do thám’’. Cuộc họp diễn ra ‘‘theo lời mời của Hoa Kỳ’’, nhằm thảo luận về quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực, theo một tuyên bố ngắn gọn từ ban Liên lạc Đối ngoại của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, được South China Morning Post dẫn lại.Vào cuối tháng 3, Rick Waters, phó trợ lý ngoại trưởng, đã có chuyến thăm Trung Quốc đại lục, trở thành nhà ngoại giao cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến Trung Quốc kể từ tháng 12. Ông Waters đã gặp gỡ các quan chức bộ phận Bắc Mỹ và Châu Đại Dương của bộ Ngoại Giao Trung Quốc, báo hiệu khả năng tan băng trong quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Chuyến thăm Trung Quốc của Rick Waters từng làm dấy lên đồn đoán về khả năng khôi phục liên lạc bình thường giữa hai nước. Tuy nhiên, bộ Ngoại Giao Trung Quốc dường như hạ thấp tầm mức của chuyến thăm.Bắc Kinh đặt tên tiếng Hoa cho nhiều vùng lãnh thổ tại Ấn ĐộĐầu tháng 4/2023, Bắc Kinh công bố danh sách 11 địa điểm với tên gọi bằng tiếng Hoa ở bang đông bắc Ấn Độ Arunachal Pradesh. 11 địa điểm được đặt tên bao gồm năm đỉnh núi, hai khu vực đông dân cư hơn, hai vùng đất và hai con sông. Danh sách các địa điểm bằng tiếng Hoa, tiếng Tây Tạng, và tên phiên âm sang chữ Latinh. Các khu vực nói trên hoàn toàn nằm trong các vùng lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát. Bản đồ mới của Trung Quốc cũng cho thấy một phần lớn bang Arunachal Pradesh được Trung Quốc xếp vào khu vực Nam Tạng (Zangnan), ở phía nam khu tự trị Tây Tạng. Theo báo chí Ấn Độ, đây là lần thứ ba mà Trung Quốc công bố một danh sách gọi là “tên địa lý được tiêu chuẩn hóa”. Hai lần trước là vào năm 2021 và năm 2017. Bộ Ngoại Giao Ấn Độ không trả lời yêu cầu bình luận của báo chí về thông báo mới của Bắc Kinh lần này. Trước đó, vào năm 2021, chính quyền Ấn Độ đã khẳng định “Arunachal Pradesh đã và sẽ luôn là một phần không thể thiếu của Ấn Độ’’. Giới quan sát chú ý đến việc Bắc Kinh công bố danh sách tên tiếng Hoa với một loạt địa danh ở bang miền đông bắc Ấn Độ ít tuần trước cuộc họp giữa bộ trưởng Quốc Phòng hai nước hôm 28/04, về căng thẳng biên giới. Theo AFP, sau buổi họp nói trên, bộ Quốc Phòng Ấn Độ ra thông báo khẳng định lập trường của Ấn Độ, tố cáo Trung Quốc gia tăng triển khai quân tại vùng biên giới tranh chấp, và kêu gọi xuống thang để bảo vệ hòa bình. Trong khi đó, phía Trung Quốc khẳng định tình hình là ‘‘ bình ổn’’.  Căng thẳng biên giới cũng là chủ đề thảo luận giữa ngoại trưởng hai nước bên lề hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, tổ chức tại Ấn Độ. Hôm qua, ngoại trưởng Ấn Jaihankar nhấn mạnh đã khẳng định với đồng nhiệm Trung Quốc Tần Cương, là ‘‘quan hệ Ấn – Trung không thể bình thường, nếu không có sự yên ổn tại vùng biên giới’’. ‘‘Tổ chức Hợp tác Thượng Hải’’ khó giúp Ấn – Pakistan hạ hỏaHội nghị ngoại trưởng của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải họp tại thành phố biển miền tây Goa, Ấn Độ, hôm qua, cũng là dịp gặp gỡ giữa hai ngoại trưởng Ấn và Pakistan, hai quốc gia thành viên của tổ chức này. Quan hệ Ấn Độ - Pakistan giảm căng thẳng hay không với chuyến công du đầu tiên của một ngoại trưởng Pakistan đến Ấn Độ từ 8 năm nay? Giới quan sát đặc biệt chú ý đến một chi tiết: ngoại trưởng hai nước láng giềng kình địch có bắt tay nhau hay không.Thông tín viên Côme Bastin tường trình từ Bangalore : “Họ có bắt tay nhau hay không? Một số báo nói là hai người có bắt tay, nhưng ở bên ngoài ống kính camera. Một số khác nói rằng : cách chào kiểu chắp tay của người Ấn Độ khiến việc bắt tay là không thể. Điều này cũng có nghĩa là cuộc gặp mặt giữa hai ngoại trưởng Ấn – Pakistan được soi xét kỹ lưỡng! Ngoại trưởng Pakistan Bhutto Zardari và đồng nhiệm Ấn Độ S. Jaishankar đã gặp nhau tại Goa. Lãnh đạo ngoại giao hai nước đã họp cùng các đối tác Trung Quốc, Nga hoặc Kazakhstan, các thành viên của tổ chức liên chính phủ Hợp tác Thượng Hải (SCO). Tuy nhiên cơ hội hiếm hoi để nối lại đối thoại này đã bị bỏ lỡ. Trong lúc một cuộc hội kiến song phương trực tiếp là bất khả, lãnh đạo ngoại giao hai nước đã công kích nhau với các tuyên bố đưa ra riêng rẽ, về vùng Cachemire và nạn khủng bố tại các vùng biên giới tranh chấp. Ngoại trưởng Ấn Độ tuyên bố : ‘‘Không thể đưa ra bất cứ biện minh nào cho các hoạt động khủng bố, cần phải chấm dứt hoàn toàn hoạt động này’’. Về phần mình, ngoại trưởng Pakistan Bhutto Zardari đáp trả: ‘‘Không thể sử dụng khủng bố để làm công cụ phục vụ các mục tiêu’’. Lãnh đạo ngoại giao Pakistan kêu gọi New Delhi vượt qua lập trường đơn phương, bè phái. Để kết thúc, ông Bhutto Zardari gọi đồng nhiệm Ấn Độ là ‘‘người phát ngôn của ngành công nghiệp khủng bố’’.Giới trẻ Anh thờ ơ với lễ đăng quang vua mớiHôm nay, thứ Bảy, 06/05 là ngày đăng quang của Quốc vương Anh Charles đệ tam. Nhìn chung, dân chúng Anh không mấy mặn mà với nghi thức lên ngôi của vị vua 74 tuổi. Giới trẻ Anh còn thờ ơ hơn nhiều. Chỉ có một phần tư thanh niên đặt hy vọng ở chế độ quân chủ. Đặc phái viên Julien Chavanne tường trình từ Luân Đôn : ‘‘Bạn có kế hoạch gì cho thứ Bảy này không? Nữ sinh viên được hỏi đáp: Ồ, tôi không biết nữa. Một nam sinh viên trả lời: ‘‘Hmmm… Tôi nghĩ tôi sẽ làm bài tập về nhà…’’. Nữ sinh viên thứ hai đáp: ‘‘Thực ra tôi cũng không chắc nữa… Tôi có thể đi chơi với bạn bè hoặc gia đình…’’. Thứ Bảy mùng 6/5 này sẽ là một ngày như bao ngày khác đối với các sinh viên này tại trường Westminster College Luân Đôn. Anh Brooke, học năm thứ nhất ngành kinh tế cho biết sẽ có nhiều việc hay để làm, hơn là xem lễ đăng quang. Một nữ sinh viên khác khẳng định : ‘‘Chúng tôi biết chuyện đó sẽ diễn ra, nhưng không có nhiều điều để nói về việc này...’’.  Sự vỡ mộng của giới trẻ Anh và Hoàng gia không phải là điều mới, nhưng khoảng cách đã lớn hơn nhiều trong những năm gần đây. Chỉ còn 26% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi cho rằng chế độ quân chủ là điều tốt cho Vương Quốc Anh. Tỉ lệ này là gần gấp đôi vào năm 2019. Cô Amorose cho biết sẽ theo dõi buổi lễ, nhưng tỏ ra không nhiệt tình, và cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào thay đổi khi Charles trở thành Quốc vương. Cô nói : ‘‘Không hy vọng nhiều... Charles quá truyền thống... Người ta nói ông ấy sẽ không như vậy, nhưng mọi chuyện sẽ vẫn vậy... Thật không may...’’.  Không dễ dàng gì để giới trẻ say mê một vị vua 74 tuổi, sau cái chết chấn động của công nương Diana và sự bất hòa với truyền thông của hai vợ chồng hoàng tử Harry và công nương Meghan. Vua Charles đệ tam sẽ phải tìm mọi cách để quyến rũ họ nhằm đảm bảo tương lai của hoàng gia’’.Sách ‘‘Sự cáo chung của chế độ độc tài’’ bán rất chạy tại Nga Nhiều người nghĩ rằng người Nga thờ ơ với chính trị trong nước, và đa số phó mặc chuyện chính trị cho chính quyền. Nhưng không hẳn. Một cuốn sách về chính trị châu Âu, không liên quan gì đến chính trị Nga đã thu hút mạnh độc giả. Ra mắt vào tháng Giêng, sách đã ba lần được tái bản. Trong lúc truyền thông Nga làm thinh, sách được thảo luận nhiều trên các mạng xã hội. Vì sao lại như vậy ? Thông tín viên Anissa el Jabri từ Matxcơva giải thích: ‘‘Phụ đề của cuốn sách là “Ba chế độ độc tài châu Âu đã kết thúc như thế nào”. Đó là chế độ  Franco ở Tây Ban Nha, Salazar ở Bồ Đào Nha và chế độ các đại tá ở Hy Lạp. Alexander Baunov, tác giả của cuốn sách, đã rời khỏi đất nước ít ngày sau khi bùng nổ cuộc chiến tranh của Nga chống Ukraina. Trong một bài báo đăng trên tờ New York Times, được viết ở Florence, Ý, tuần trước, tác giả tuyên bố: "Không giống như nhiều tác giả của thời Xô viết và Sa hoàng, những người bị tước mất khả năng nói trực tiếp về đất nước mình và tương lai, đã buộc phải che đậy các thảo luận về những chủ đề này bằng cách viết về các dân tộc khác và về những thời đại khác, cuốn sach này không phải là một cuốn sách về nước Nga được ngụy trang dưới vỏ bọc một cuốn sách về Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp”. Trong cuốn sách nói trên, tác giả mô tả sự trở lại của chế độ dân chủ ở ba quốc gia này. Tuy nhiên, đối với nhà khoa học chính trị này, dường như rõ ràng không phải là một số lượng lớn người Nga đột ngột thích thú với  lịch sử miền nam châu Âu, mà sở dĩ họ quan tâm đến các chủ đề bởi đây hoàn toàn là những điều cấm kỵ trong các cuộc tranh luận công khai ở Nga. Cuốn sách của ông, theo phân tích của tác giả, “là một cái cớ để có thể đề cập đến điều này”. Và ngay cả hành động mua sách, theo ông, tự thân đã là một “tuyên bố về chính trị”.Năm ngoái, theo Anissa el Jabri, cuốn sách bán chạy tại Nga là 1984 của George Orwell, tiểu thuyết viễn tưởng nổi tiếng lên án chế độ toàn trị.
    06/05/2023
  • Tập Cận Bình điện đàm với Zelensky: Đòn ngoại giao cao tay hay tình thế bắt buộc?
    Chủ tịch Trung Quốc gọi điện cho tổng thống Ukraina: Lần đầu tiên sau hơn một năm kể từ khi Nga mở đầu cuộc xâm lược Ukraina. Cam kết của Mỹ tăng cường bảo vệ Hàn Quốc đối phó với Bắc Triều Tiên trong ‘‘Tuyên bố Mỹ - Hàn’’ nhân chuyến công du Hoa Kỳ của tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-yeol, bị một số chuyên gia Mỹ chỉ trích là không có nhiều tác dụng, và thậm chí có thể phản tác dụng. Một quan chức Trung Quốc cao cấp - từng phụ trách đàn áp phong trào đòi dân chủ Hồng Kông - được cử dự lễ đăng quang của tân vương Anh. Lựa chọn gây phẫn nộ trong chính giới Anh Quốc. Đài Loan kêu gọi chính quyền Mỹ ngừng tuyên truyền quá nhiều về các đe dọa quân sự từ Trung Quốc, với cảnh báo: nạn nhân sẽ là ngành công nghiệp chip bán dẫn, cột trụ kinh tế của hòn đảo. Bộ phim ‘‘Làm cách nào để phá một đường ống dầu khí’’ ("How to Blow Up a Pipeline") ra rạp tại Mỹ. Phim lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của lý thuyết gia người Thụy Điển Andreas Malm, được mệnh danh là ‘‘Lênin’’ của giới tranh đấu môi trường (Le Monde). Trên đây là các chủ đề chính của tạp chí Thế giới Đó đây tuần này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky điện đàm lần đầu tiên ngày 26/04/2023, ngày thứ 426 kể từ khi điện Kremlin mở màn cuộc chiến tranh chống Ukraina. Đây là tâm điểm chú ý của truyền thông quốc tế tuần qua. Cho đến trước cuộc điện thoại này, lãnh đạo tối cao Trung Quốc đã hoàn toàn làm thinh trước các kêu gọi trao đổi trực tiếp giữa hai nguyên thủ từ phía Kiev, trong lúc ông Tập Cận Bình hai lần tiếp xúc trực tiếp với tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó có một chuyến công du Matxcơva. Trong hơn một năm Nga xâm lược Ukraina, Bắc Kinh tiếp tục siết chặt quan hệ với Matxcơva - thủ phạm của cuộc xâm lăng bị Liên Hiệp Quốc lên án. Ukraina thận trọng cao độCuộc điện thoại Tập Cận Bình - Zelensky được đông đảo các nước phương Tây hoan nghênh, với những mức độ khác nhau, nhưng đa phần dè dặt. Phản ứng của chính quyền Ukraina ra sao ? Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan hôm 26/04 cũng ghi nhận thái độ thận trọng cao độ từ phía chính quyền Zelensky : ‘‘Thông thường vốn bày tỏ rất nhiều trên Twitter, các quan chức chủ chốt của phủ tổng thống Ukraina đã sử dụng một thứ ngôn từ đầy ẩn ý, gần như tương xứng với người đối thoại châu Á của họ, để hoan nghênh cuộc thảo luận kéo dài một giờ giữa tổng thống Volodymyr Zelensky và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nguyên thủ Ukraina khẳng định đây là “một cuộc trao đổi dài và đầy ý nghĩa”. Andriy Yermak, chánh văn phòng phủ tổng thống, ca ngợi “một cuộc đối thoại quan trọng”. Tuy nhiên, rất ít thông tin về nội dung cuộc thảo luận giữa hai bên lọt ra bên ngoài. Truyền thông Ukraina nêu bật việc bổ nhiệm tân đại sứ Ukraina tại Bắc Kinh : ông Pavlo Ryabikin, cựu bộ trưởng bộ Công Nghiệp Chiến Lược, chức vụ vốn đã bị bỏ trống từ năm 2021. Trong khi đó, cựu đại sứ Trung Quốc tại Matxcơva sẽ được cử đến Ukraina để thực hiện nhiệm vụ thiết lập liên lạc giữa các bên xung đột. Theo nhận định của một cựu bộ trưởng Ukraina, mà chúng tôi đã tiếp xúc được hôm thứ Tư 26/04 bên lề một diễn đàn về công nghiệp quân sự ở Kiev, chính phủ Ukraina đã rất thận trọng về khả năng để ngỏ cửa cho giải pháp ngoại giao, với trung gian là Bắc Kinh. Ưu tiên của chính quyền Ukraine là duy trì một kênh liên lạc cởi mở sao cho Trung Quốc duy trì thái độ trung lập trong cuộc xung đột hiện tại, và không có các hỗ trợ quân sự rõ rệt hơn đối với Nga’’. Vì sao ‘‘lá bài điện thoại’’ vào thời điểm này? Cuộc điện thoại Tập Cận Bình - Zelensky mang lại những gì đáng kể cho phía Ukraina? Ngoài việc Trung Quốc cam kết không cung cấp vũ khí cho Nga (theo tổng thống Ukraina), và việc Bắc Kinh cử đoàn công tác cấp cao, đứng đầu là cựu đại sứ tại Nga đến Ukraina, trong hiện tại chính quyền Ukraina dường như không đặt mấy hy vọng vào tác động cụ thể của Bắc Kinh đối với tiến trình tìm giải pháp hòa bình cho xung đột. Dù sao Trung Quốc cũng đã chính thức nhập cuộc vào các nỗ lực ngoại giao tìm giải pháp cho chiến tranh tại Ukraina, với cuộc điện đàm Tập - Zelensky và việc cử phái đoàn đến tại chỗ. Tuy nhiên để đánh giá được đúng ý nghĩa của các sự việc này cần đặt chúng trong bối cảnh không gian và thời gian rộng hơn. Gọi điện thoại cho tổng thống Ukraina có thể coi là một ‘‘lá bài’’ ngoại giao quan trọng của Trung Quốc. Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: Tại sao lãnh đạo tối cao Trung Quốc lại sử dụng ‘‘lá bài’’ đó vào thời điểm này? Hoàn Cầu Thời Báo: ‘‘Cơ hội cho giải pháp chính trị đã đến’’Nhìn từ phía Trung Quốc, thời điểm cuộc điện đàm đã được lựa chọn một cách rất có chủ ý. Bài xã luận (ngày 27/04/2023) của Hoàn Cầu Thời Báo, một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ấn bản Anh ngữ, nhận định đây là thời điểm thuận lợi. Đây là lúc mà ‘‘nhiều quốc gia, bao gồm Nga và Ukraina, cũng như các quốc gia khác ở châu Âu, đã dần dần công nhận hoặc chấp nhận một phần giải pháp do Trung Quốc đề xuất. Ngày càng có nhiều tiếng nói bên trong Hoa Kỳ cho rằng ‘‘thế giới nên lắng nghe tiếng nói của Trung Quốc''. (…) thái độ sẵn sàng đàm phán giữa tất cả các bên đang tăng lên và nhiều tiếng nói duy lý hơn đang xuất hiện ở một số nước châu Âu. Về một mặt nào đó, cơ hội thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraina đã xuất hiện’’.Bắc Kinh khẳng định ‘‘luôn đứng về phe hòa bình’’. Tuy nhiên, trong giới quan sát cũng phổ biến một nhận định cho rằng ngay từ đầu chiến tranh: Trung Quốc một mặt đã ủng hộ mạnh mẽ Nga về nhiều phương diện, mặt khác, đứng ở vị thế ngư ông đắc lợi. Bắc Kinh theo sát diễn biến cuộc chiến để kịp thời chọn bên đúng lúc, sao cho có lợi nhất. Theo chuyên gia Pháp François Godement, Viện Montaigne, Bắc Kinh tự tin ‘‘có thể trở thành bên hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc xung đột này’’.Bị động hay ‘‘giương bẫy’’ ? Theo một số nhà quan sát, như chuyên gia về Trung Quốc Teresa Nogueira (Amnesty International) (trả lời RFI), quyết định điện đàm của ông Tập Cận Bình diễn ra vào lúc Nga đã phải gánh chịu nhiều tổn thất trên chiến trường, viễn cảnh đè bẹp quân đội Ukraina là xa vời, khác hẳn thời gian đầu chiến tranh. Bên cạnh đó, kinh tế Trung Quốc - cho dù thu lợi nhiều trong thương mại với Nga trong một năm qua - nhìn chung đang gánh chịu nhiều thiệt hại hơn là lợi lộc. Đấy là chưa kể cuộc phản công mùa xuân được trông đợi của Quân đội Ukraina sắp bắt đầu, Bắc Kinh có thể bị trễ khi nhập cuộc sau đó. Trái ngược với quan điểm coi Trung Quốc phải hành động trong thế bị động như trên, một số chuyên gia phương Tây nghi ngờ cao độ, coi cuộc điện đàm của Tập Cận Bình là ‘‘một chiếc bẫy’’ của Bắc Kinh, như ông Dan Baer, nhà nghiên cứu của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, khi trả lời AFP. Chuyên gia về Trung Quốc Lưu Á Vĩ (Yawei Liu), cũng thuộc Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế thì nói đến một ‘‘chiếc bẫy lớn’’. Nhà Trung Quốc học François Godement, Viện Montaigne, trong một cuộc trả lời phỏng vấn France info (27/04) nêu giả thiết, đây là một thủ đoạn nhằm kìm hãm cuộc phản công của Quân đội Ukraina chuẩn bị diễn ra. Đây cũng là quan điểm của Max Hess, nhà nghiên cứu của chương trình Eurasia thuộc Foreign Policy Research Institute (trả lời CNBC). Âu - Trung giảm căng thẳng, Bắc Kinh phản công ngoại giaoDù đối với Trung Quốc đây là một thủ đoạn ngoại giao hay do tình thế bắt buộc, giới quan sát không thể bỏ qua liên hệ giữa cuộc điện đàm Tập - Zelensky với chuyến công du Trung Quốc hồi đầu tháng của tổng thống Pháp. Điện Elysée nhìn nhận đây là một bước tiến về ngoại giao, trong lúc chuyến đi bị nhiều chỉ trích, lên án gay gắt ngay tại phương Tây (bị xem là có lợi cho Trung Quốc). Báo Thụy Sĩ Blick hôm 27/04, một ngày sau cuộc điện đàm Tập - Zelensky, đã dẫn lời một đại sứ Pháp, bênh vực thành tích ngoại giao của tổng thống Macron, khi khẳng định ‘‘Tất cả đã đồng thanh chỉ trích tổng thống Macron sau chuyến đi Bắc Kinh. Nhưng rõ ràng là ông ấy đã nói đúng: Tập Cận Bình sẽ gọi điện cho Zelensky’’. Đọc thêm : Tổng thống Pháp đi Trung Quốc: Tín hiệu hoà dịu từ Phương TâyCánh cửa ngoại giao Âu - Trung rõ ràng phần nào đã được mở ra hơn sau chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Pháp và một số lãnh đạo châu Âu. Hai ngày trước cuộc điện đàm Tập - Zelensky, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã công bố một bài trả lời phỏng vấn của đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Liên Âu, trong đó ông Phó Thông (Fu Cong) thậm chí đưa ra một khẳng định đầy ấn tượng là Bắc Kinh cũng sẵn sàng hợp tác "không giới hạn'' với Liên Âu tương tự như với Nga. Tình hữu nghị ‘‘không giới hạn’’ là một nội dung ít nhiều gây bất ngờ trong Tuyên bố Nga - Trung, được đưa ra chỉ ít tuần lễ trước khi Nga xâm lược Ukraina. Thái độ của Bắc Kinh vào thời điểm đó được nhiều nhà quan sát coi như là một động thái ủng hộ rất có lợi cho Nga, đang chuẩn bị cuộc xâm lăng. Vua Anh đăng quang, quan chức Trung Quốc đàn áp phong trào dân chủ dự lễ Hiện tại chưa có thể nói gì nhiều về nguyên tắc hợp tác ‘‘không giới hạn’'’ với châu Âu, mà nhà ngoại giaoTrung Quốc vừa gợi lên. Tuy nhiên, không thể không chú ý đến việc chính phủ Anh, một cường quốc châu Âu khác, trong những ngày vừa qua, đã có thái độ mềm mại khác thường với Trung Quốc. Ngày 24/04, cùng ngày bài phỏng vấn của đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Liên Âu được công bố, ngoại trưởng Anh khẳng định: Luân Đôn cần hợp tác với Bắc Kinh hơn là cô lập Trung Quốc trong một cuộc ‘‘Chiến tranh Lạnh mới’’. Tuyên bố gây nhiều phản đối trong nội bộ đảng cầm quyền Anh. Cuộc ‘‘phản công ngoại giao’’ của Trung Quốc dường như đang gây phân hóa trong nội bộ nước Anh nói riêng, và châu Âu nói chung. Đọc thêm : Macron bị chỉ trích gây mất « đoàn kết » phương Tây sau chuyến thăm Trung QuốcCùng lúc đó, một hành xử khác của chính phủ Anh cũng bị coi là để Trung Quốc lấn lướt. Hôm qua 28/04, nhiều dân biểu Anh chỉ trích chính phủ đã mở cửa cho phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính đến Anh dự lễ đăng quang của tân vương Charles đệ tam vào tuần tới. Hàn Chính là quan chức đã giám sát việc đàn áp biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông. Thông tín viên Emeline Vin tường trình từ Luân Đôn :‘‘Người được cử làm đại diện cho lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến dự lễ đăng quang là phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng), quan chức đã giám sát việc đàn áp các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông vào năm 2019. Vào thời điểm đó, Luân Đôn đã lên áp các đàn áp. Chính quyền Anh tự coi là người bảo trợ các quyền tự do tự do dân chủ tại vùng lãnh thổ này, kể từ khi Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Một số dân biểu đã phẫn nộ với sự xuất hiện của phó chủ tịch Hàn Chính tại lễ đăng quang của quốc vương Charles đệ tam, họ gọi sự lựa chọn của Tập Cận Bình là ‘‘xúc phạm'’ và ‘‘khiêu khích’'. Một cựu bộ trưởng Anh đã lên án một sự lẫn lộn giữa hành xử khôn khéo về ngoại giao và thái độ ngây thơ mù quáng. Về mặt chính thức, tân quốc vương Anh có quan điểm trung lập. Nhưng bản thân tân vương có mối quan hệ khá phức tạp với Trung Quốc. Khi còn là Hoàng tử xứ Wales, ông đã từ chối dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh năm 2008. Trong những năm 90, ông đã nhận xét các lãnh đạo Trung Quốc là những ‘‘bù nhìn rơm'’’. Chính phủ Anh, chịu trách nhiệm tổ chức phần lớn các nghi thức, đã từ chối can thiệp. Chính phủ Anh giải thích họ muốn duy trì các kênh liên lạc với Bắc Kinh, nhân danh một mối quan hệ mang tính xây dựng. Không có cuộc gặp nào giữa phó chủ tịch Trung Quốc và thủ tướng Anh Rishi Sunak được lên kế hoạch’’. Tuyên bố Mỹ - Hàn răn đe Bắc Triều Tiên, chuyên gia Mỹ hoài nghi Chuyến công du Mỹ trong tuần qua của tổng thống Hàn Quốc được coi là thành công, với một kết quả chủ yếu là Tuyên bố Washington, mở rộng phạm vi răn đe Bắc Triều Tiên, trấn an công luận Hàn Quốc trước các đe dọa tên lửa, hạt nhân gia tăng từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, một số chuyên gia Mỹ tỏ ra hoài nghi về giá trị thực chất của Tuyên bố này.Yonhap dẫn lời chuyên gia về Đông Bắc Á, Viện Hòa bình Mỹ, ông Frank Aum. Vị chuyên gia này một mặt khẳng định Tuyên bố này là ‘‘thành công lớn nhất’’ của thượng đỉnh Mỹ - Hàn, bởi cho phép liên minh song phương ‘‘phối hợp và thông tin’’' về các vấn đề hạt nhân, mặt khác, lo ngại là ‘‘tất cả các biện pháp bổ sung có nguy cơ làm trầm trọng hơn các căng thẳng và cuộc chạy đua vũ trang trên bán đảo Triều Tiên, đã diễn ra từ một thập niên trở lại đây’’. Theo ông Frank Aum, các vũ khí quy ước và hạt nhân hiện có của liên minh Mỹ - Hàn đã đủ sức răn đe Bình Nhưỡng. Chuyên gia Viện Hòa bình Mỹ nhấn mạnh là Mỹ - Hàn nên chờ đợi đến khi Bắc Triều Tiên có các biện pháp leo thang, ví dụ như với vụ thử hạt nhân lần thứ bảy, hay một vụ thử vệ tinh quân sự, thì mới nên đưa ra các biện pháp mới, để tránh Bình Nhưỡng lấy cớ leo thang. Đọc thêm : Thuyết phục Mỹ mở rộng ô hạt nhân, thắng lợi kép của Hàn QuốcMột chuyên gia khác là ông Anthony Ruggiero, cựu giám đốc phụ trách Bắc Triều Tiên của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ, cũng cho rằng Tuyên bố này không tạo nên bước tiến nào lớn trong việc đáp ứng mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên. Theo ông Anthony Ruggiero, Tuyên bố này cũng không đề cập đến vấn đề Bắc Triều Tiên mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Chuyên gia về Đông Bắc Á, Viện Hòa bình Mỹ, thì đặc biệt lo ngại về việc gia tăng các biện pháp răn đe sẽ gây khó khăn cho triển vọng đưa được Bắc Triều Tiên trở lại với đối thoại. Ông Frank Aum lưu ý là hai đồng minh nên tập trung nhiều hơn vào việc tìm cách thương thuyết với Bình Nhưỡng, vì việc thương lượng sẽ cho phép giảm các khiêu khích từ phía Bắc Triều Tiên. Đài Loan lo ngành chip suy sụp, nếu Mỹ lớn tiếng về nguy cơ Trung Quốc Về cuộc khủng hoảng Đài Loan, bên cạnh các căng thẳng gia tăng giữa hai bên bờ eo biển, và giữa Mỹ với Trung Quốc, có một thông tin đáng được chú ý khác liên quan đến quan hệ Đài Loan - Hoa Kỳ. Theo báo chí Đài Loan, chính quyền Đài Bắc đã có một số vận động trong hậu trường để yêu cầu phía Mỹ cẩn trọng hơn trong các tuyên bố về nguy cơ Trung Quốc tấn công Đài Loan. Báo Nhật Japan Times dẫn lại thông tin từ truyền thông Mỹ cho hay tỷ phú Warren Buffett, đã cắt giảm 86% cổ phần nắm giữ tại TSMC công ty số một Đài Loan về bán dẫn, trong quý IV vừa qua, do lo ngại căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan.Báo Đài Loan Taiwans News dẫn lại thông tin từ hãng tin Mỹ Bloomberg, hôm 21/04, cho biết chính quyền Thái Anh Văn đặc biệt lo ngại về việc bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo, trong một phát biểu mới đây khẳng định nguy cơ mất an ninh gia tăng đối với nguồn linh kiện điện tử từ Đài Loan. Trong một chuyến công du Đài Loan mới đây, nghị sĩ Mỹ Michael McCaul đã bày tỏ thái độ bi quan trước nguy cơ nền công nghiệp bán dẫn Đài Loan rơi vào tay Trung Quốc. Các phát biểu của hai quan chức cao cấp và chính trị gia Mỹ nói trên gây nhiều bất bình tại Đài Bắc, trong bối cảnh, nhiều giới chức quân sự và quan chức chính quyền Mỹ liên tục đưa lên truyền thông dự báo thời điểm Trung Quốc bao vây Đài Loan. Mỹ sẵn sàng đập tan mọi can thiệp từ Trung Quốc Theo Bloomberg, mặc dù Trung Quốc không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan, nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy một cuộc xâm lược sớm xảy ra. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải đối mặt với rất nhiều vấn đề trong nước, đặc biệt sau giai đoạn ba năm áp đặt  các chính sách nghiêm ngặt chống Covid. Về phía quân đội Mỹ, đô đốc John Aquilino, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong một cuộc điều trần tại Quốc Hội hôm 18/04, khẳng định : Nhiệm vụ của các lực lượng Mỹ là sẵn sàng chuẩn bị để ‘‘chiến đấu và đánh bại’’ mọi can thiệp quân sự của Trung Quốc chống Đài Loan.Về linh kiện bán dẫn nói chung, Đài Loan chỉ sản xuất khoảng 7% nguồn cung toàn cầu. Nhưng riêng về chip bán dẫn cao cấp nhất, tức dưới 7 nm, các công ty Đài Loan chiếm đến 90%. Phần còn lại do tập đoàn Hàn Quốc Samsung sản xuất. Chống biến đổi khí hậu: Phim Mỹ ‘‘Làm cách nào phá đường ống dầu khí’’ Căng thẳng địa chính trị và nguy cơ chiến tranh bùng phát hay mở rộng tại nhiều điểm nóng như Đài Loan hay Ukraina dường như làm lu mờ một mối đe dọa đáng sợ không kém với nhân loại : Biến đổi khí hậu. Và đi liền với nguy cơ này là các phong trào phản kháng ngày càng dữ dội hơn chống lại các nền công nghiệp sử dụng năng lượng hóa thạch, đã bị cộng đồng quốc tế điểm mặt là thủ phạm của tình trạng hâm nóng khí hậu. Giới tranh đấu môi trường ngày càng mượn đến các biện pháp mà những người phản đối lên án là ‘‘khủng bố’’'. Đọc thêm : ‘‘Kiểm tra sức khỏe định kỳ’’: Bệnh tình Trái đất trầm trọng hơn trong năm 2022Trong lĩnh vực môi trường và văn hóa, đáng chú ý có bộ phim ‘‘Làm cách nào để phá một đường ống dầu khí’’ (‘‘How to Blow Up a Pipeline’’), ra rạp tại Mỹ từ ngày 21/04 vừa qua. Phim lấy cảm hứng từ tác phẩm cùng tên của lý thuyết gia chính trị người Thụy Điển Andrea Malm, được mệnh danh là ‘‘Lênin’’ của giới tranh đấu môi trường triệt để. Một cơ quan tư pháp của Canada, chuyên phụ trách về năng lượng, lo ngại bộ phim có thể khuyến khích các vụ tấn công nhắm vào các đường ống dầu khí.Bộ phim ‘‘Làm thế nào để phá hoại một đường ống dầu khí’’ kể lại câu chuyện về giới tranh đấu môi trường trẻ người Mỹ tìm cách phá hoại một đường ống. Trang mạng của đài phát thanh Canada hôm 26/04 cho biết Cơ quan tư pháp AER, bang Alberta, miền tây nam Canada, ra một thông báo cho biết, nhiều biện pháp an ninh đã được siết chặt để bảo vệ hơn 440.000 km đường ống tại bang này. Trang mạng truyền thông Canada cũng dẫn lại một số tin đồn về việc cơ quan an ninh Mỹ FBI đã tiếp xúc với các cơ quan cảnh sát Canada, để tìm hiểu về phản ứng trên Internet, sau khi bộ phim được công chiếu.Về phần mình, đạo diện Daniel Goldhaber nhắc lại rằng mục tiêu của bộ phim là để thu hút sự chú ý của công luận về tính khẩn cấp của vấn đề rối loạn khí hậu, và áp lực thay đổi lối sống. Ông hy vọng phim ‘‘Làm thế nào để phá hoại một đường ống dầu khí’’ sẽ kích thích nhiều tranh luận.Phim ‘‘Làm thế nào để phá hoại một đường ống dầu khí’’ sẽ công chiếu tại Pháp vào cuối tháng 7 với tiêu đề ‘‘Sabotage/Phá hoại’’. Tháng 7 dự kiến cũng là tháng cao điểm của không khí nóng bức mùa hè. Phim ra mắt vào thời điểm thời tiết bất lợi gia tăng, rất có thể sẽ càng khiến công chúng Pháp thêm chú ý đến khủng hoảng khí hậu, môi trường.‘‘Avant l’effondrement’’: Ám ảnh sụp đổ và tâm thế cách mạng trong giới trẻ PhápCũng về môi trường và điện ảnh, ngày 19/04 vừa qua, một bộ phim đáng chú ý khác vừa ra rạp tại Pháp. Phim ‘‘Avant l’effondrement’’ (Trước kỷ nguyên sụp đổ) là bộ phim đầu tay của nữ tiểu thuyết gia Alice Zeniter, khôi nguyên giải thưởng văn học Goncourt trẻ, với sự tham gia của nam tài tử Niels Schneider, người từng được trao Giải César cho nam diễn viên triển vọng nhất.Phim ‘‘Trước kỷ nguyên sụp đổ’’ nói về những lo âu và suy nghĩ của giới trẻ Pháp trước viễn cảnh cuộc đại khủng hoảng sinh thái - môi trường. Trở về với thiên nhiên để chuẩn bị cho cuộc ‘‘sụp đổ’’ không tránh khỏi hay chuẩn bị cho một cuộc cách mạng để đảo ngược tình hình là câu hỏi đầy ám ảnh xuyên suốt bộ phim.
    29/04/2023

À propos de Tạp chí đặc biệt

Phân tích những hồ sơ lớn, nóng bỏng. 

Site web du podcast

Écoutez Tạp chí đặc biệt, RMC Info Talk Sport ou d'autres radios du monde entier - avec l'app de radio.fr

Tạp chí đặc biệt

Tạp chí đặc biệt

Téléchargez gratuitement et écoutez facilement la radio.

Google Play StoreApp Store

Tạp chí đặc biệt: Radios du groupe